7 dạng người không thích chơi board game

Đăng ngày 17/03/2017

1. Ngại giao tiếp xã hội

Board game là về tương tác xã hội, kết nối những con người với nhau qua trung gian một trò chơi. Nếu một người ngại giao tiếp thì sẽ từ chối để tham gia chơi cùng.

Đừng lo, những bạn này chỉ hơi sợ mà thôi, hãy rủ bạn ấy chơi một game gì đó ít mức độ giao tiếp như Sushi Go, Zuc Zac, Carcassonne để làm quen dần. Rồi khi cởi mở hơn hãy cho bạn ấy chơi những game khác.

2. Quá tiết kiệm tiền

Có những người tiết kiệm tiền đến mức tính toán trong mọi thứ, thậm chí lĩnh vực giải trí lành mạnh. Suy cho cùng, tiền là để cho ta niềm vui mà đúng không?

Những bạn này có thể xem xét mua những game giá rẻ dưới 100k mà vẫn có thể tận hưởng niềm vui bất ngờ. Nếu bạn đã từng chơi qua những game đắt tiền như Arcadia Quest nhưng lại thấy nó quá hấp dẫn, thì tiền bạc lúc đó không còn là vấn đề nữa. Hoặc cách phổ thông hơn, bạn và những người khác cùng "góp vốn" lại để mua một trò, số tiền khi ấy sẽ khá nhỏ.

3. Chỉ chơi video game

Đây là dạng người chỉ biết đến video game và thu mình trong đó. Các board game không có hiệu ứng đặc biệt chói lóa, âm thanh không thể thu hút được họ.

Nếu vậy bạn cần biết lịch sử phát triển của video game là bắt nguồn từ board game, mọi lý thuyết sáng tạo video game đều suy ra từ board game, và board game đã truyền cảm hứng cho rất nhiều video khác như thể loại J-RPG. Có thời gian rảnh, bạn hãy mời những người này chơi một game gì đó có theme giống video game như Dungeons & Dragons chẳng hạn.

4. Lười học luật

Đây là khi họ cầm cuốn luật lên và bắt đầu mỏi mắt, rối trí rồi đi ngủ. Tại sao phải học luật phức tạp như thế trong khi các trò chơi khác hệ thống đã tự xử lý cho mình rồi?

Bạn có thể không nhận ra nhưng đọc luật, học cách chơi của một game rất tốt cho não bộ của bạn. Còn nếu bạn đã quá lười rồi thì có thể một anh bạn tốt tính nào đó sẽ sẵn sàng hướng dẫn bạn cách chơi của một trò rất nhanh chóng. Và khi chơi bạn thấy hay rồi, thì sẽ cảm thấy cái giá để học luật là rất đáng. Bạn còn có cơ hội thể hiện dạy luật lại cho người khác nữa mà.

5. Coi board game là trò chơi con nít

Đa số người này từ bé có chơi những trò truyền thống như Cờ Tỷ Phú, Cờ Cá Ngựa,.. và lớn lên họ từ bỏ, nên có một quan niệm rằng các dạng trò chơi này là của con nít.

Hãy cho họ thấy board game còn có những game thú vị nào, phức tạp các cấp độ, và các giá trị bổ ích mà nó đem lại. Ở nước ngoài, đa số những người chơi board game đều là trung niên, thậm chí người già vẫn có thú vui này để duy trì sự sáng suốt đầu óc.

6. Coi board game là gì đó rất phức tạp

Nhìn vào một board game với đủ các thành phần bày trên bàn, một người tự hỏi cái quái gì thế này? Họ đang làm thứ gì đó mình không hiểu nổi? Thật là phức tạp!

Không hề, nếu bạn hiểu cách các thành phần truyền tải luật game, thì sẽ thấy nó vô cùng dễ. Cũng giống như bạn học bất kỳ thứ gì khác, lúc đầu sẽ bỡ ngỡ. Tốt nhất bạn nên chơi những trò có luật siêu đơn giản trước như Uno, Ma Sói, Halli Galli,...

7. Bảo thủ cái cũ

“Thôi chơi bài Tiến Lên được rồi, học chi ba cái thứ này” là câu nói quen thuộc bạn nghe từ những người này.

Nếu chỉ một lần bạn “gài bẫy” họ vào một game bất kỳ thì họ sẽ cảm thấy mở mang lên rất nhiều và muốn học nhiều trò mới nữa. Bài Tiến Lên rất hay, nhưng còn nhiều hơn thế nữa trong thế giới của board game!

BoardgameVN