Cơ chế trong Board game: Voting

Đăng ngày 26/04/2016

Voting là một cơ chế (mechanic) được sử dụng khá nhiều trong các board game. Có thể bạn đã từng chơi qua một vài game có cơ chế này, hãy cùng đưa ra những phân tích về ưu điểm và khuyết điểm, cũng như một cái nhìn sâu hơn về tác động của nó đến với gameplay.

Voting được chuyển thể rất thành công vào board game

Đầu tiên chúng ta xác định nghĩa của từ Voting. Theo từ điển tiếng anh, từ này có nghĩa là bỏ phiếu, biểu quyết – tất cả mọi người đưa ra những lựa chọn, và lựa chọn được đa số đồng ý sẽ trở thành quyết định cuối cùng. Ví dụ như việc bầu cử các chức vụ, người có số phiếu nhiều nhất sẽ đạt được chức vụ đó. Nhưng không phải kết quả cuối cùng lúc nào cũng có lợi. Nhìn chung, kết quả có hại thường phổ biến hơn trong board game – đặc biệt là những game có xu hướng loại trừ, công kích lẫn nhau, nơi có một người phải hy sinh cho quyền lợi của tập thể.

Lấy ví dụ một board game phổ biến là Mall of Horror. Trong game này, những người chơi cùng một căn phòng phải vote để chọn ra ai là người bị Zombie ăn thịt, trở thành mồi nhử cho những người còn lại bỏ chạy. Hình thức vote như sau: người chơi bí mật chọn một đối tượng mình muốn tiêu diệt, úp thẻ xuống; sau khi tất cả đều đã chọn thỉ cùng lúc ngửa thẻ lên – nhân vật nào bị chọn nhiều nhất sẽ bị tiêu diệt.

Người chơi có nhiều phiếu vote nhất sẽ bị hy sinh 

Cơ chế voting đặc biệt phù hợp với bối cảnh (theme) của Mall of Horror, nó mô tả một cuộc chiến sinh tồn trong đó người chơi phải nhẫn tâm với kẻ thù để giành quyền sống sót.

Đặc tính chung của cơ chế này, đó là tất cả mọi người phải đưa ra quyết định cùng lúc, để tránh ảnh hưởng đến quyết định của người khác – cũng giống như việc bầu cử thực tế, bạn cần phải bỏ phiếu vào một hộp kín. Trước khi quyết định người chơi có thể bàn bạc, thỏa thuận với nhau, thương lượng các điều kiện, trao đổi các hứa hẹn, cam đoan. Đây chính là điểm hấp dẫn của voting, mọi người trao đổi bằng lời với nhau trước đó, nhưng khi quyết định thì bạn không cần tuân theo lời hứa hẹn trước đó – kết quả là sự phản bội! Dễ nhận thầy rất nhiều game có cơ chế này đều thuộc loại phản bội nhau.

Trong LifeBoat, tất cả biểu quyết xem ai phải rời thuyền

Voting còn đi kèm với những game dạng suy luận tập thể như Ma Sói, Resistance, Spyfall, để hỗ trợ đưa ra quyết định cuối cùng mà không có sự bàn cãi. Mỗi người chơi đều có một phiếu vote, nên để đạt được kết quả mình muốn bạn cần lấy được phiếu vote đó từ họ - bằng cách thuyết phục họ đi theo ý mình muốn. Kết quả là những board game voting sẽ có độ tương tác rất cao. Chiến thuật, do đó dựa vào việc bạn có ảnh hưởng đến người khác hay không, và đến mức độ nào.
 

Biết được ai là Sói là một chuyện, thuyết phục đám đông là một chuyện khác

Trong Ma Sói, bạn cần ảnh hưởng đến người khác dựa trên thông tin mà bạn biết được. Ma Sói kết hợp giữa yếu tố suy luận, đoán tâm lý và cả thuyết phục. Bạn cần tìm ra ai là ai (yếu tố suy luận) nhưng để đạt được kết quả mong muốn, bạn cần đạt được sự đồng ý từ số đông (thuyết phục để lấy vote). Nếu thiếu một trong hai yếu tố này bạn không thể thành công trong game được.

Chọn hay từ chối? Quyết định của bạn có ảnh hưởng đến cả tập thể

Tuy nhiên, cơ chế voting có thể không thích hợp với những nhóm người ngại tương tác bằng lời, ít nói. Không ít người chơi Resistance mà không thể cảm thấy vui, những nhóm chơi này thường không thích tương tác để tìm kiếm thông tin, dẫn đến các quyết định sẽ hoàn toàn là ngẫu nhiên. Khi đó tiến trình game sẽ khá chán, mọi người cứ úp phiếu vote xuống và lật lên, lặp lại. Mặc dù điều này là hoàn toàn phụ thuộc vào người chơi, voting là ngẫu nhiên hay không là do cách bạn chơi nó.

Một số game đáng chú ý sử dụng rất thành công cơ chế này:

Mall of Horror: http://boardgame.vn/giai-tri-nhom/mall-horror-73

Ma Sói Characters: http://boardgame.vn/giai-tri-nhom/ma-soi-characters-86

Ma Sói One Night: http://boardgame.vn/chien-thuat/ma-soi-one-night-262

Avalon: http://boardgame.vn/chien-thuat/avalon-24

Resistance: http://boardgame.vn/chien-thuat/the-resistance-28

BoardgameVN