Cơ chế trong Board game: Tile Placement

Đăng ngày 28/04/2016

Trong bài viết sau, chúng ta sẽ tìm hiểu một cơ chế khá phổ biến trong board game – đó là Tile Placement (tạm gọi là đặt thẻ).

Tile placement mô tả một lối chơi, trong đó người chơi đặt thẻ (tile) vào, nối với những thẻ khác đã tồn tại trước đó, với mục đích tạo ra nhiều điểm chiến thắng. Cách thức nhận điểm chiến thắng phụ thuộc vào vị trí bạn đặt thẻ ở đâu, và tương quan của thẻ đó với các thẻ khác trong cuộc chơi. Trong Carcassonne, bạn cần đặt những thẻ tòa thành tiếp giáp với thẻ tòa thành có trước, những con đường nối tiếp nhau, những đồng cỏ,... khi đặt như vậy, bạn có cơ hội để kiếm điểm cho mình. Số lượng điểm bao nhiêu là do bạn đặt thẻ đó có đúng vị trí hay không.

Trong Tile placement, bạn đặt những thẻ tiếp xúc với thẻ khác 

Hình dạng thẻ không nhất thiết là hình vuông, nó có thể là bất kỳ hình dạng nào. Nó có thể là hình lục giác, hình chữ nhật, hoặc thậm chí là nhiều hình như các khối terris (xếp gạch). Những thẻ này thường được đặt theo quy luật là giáp ranh, có điểm chung với các thẻ nó đặt kề cạnh. Những game như Carcassonne, Taluva, Ingenious, Qwirkle thể hiện điều đó. Có thể là chung về hình dáng như trong Carcassonne, Taluva, hoặc chung về màu sắc như Ingenious, Qwirkle. Ngoài ra, còn có những cách đặt thẻ không theo quy luật, những game này thiên về chiếm không gian như Blokus, Patchwork.

Hình dạng thẻ có thể tùy vào game 

Khi đặt thẻ, bạn có thể nhận được điểm ngay lập tức hoặc nhận được lợi thế nhất định mà kéo dài về sau. Cơ chế này được sử dụng nhiều trong các game xây dựng đường ray xe lửa. Khi bạn đặt một thẻ để xây hệ thống đường ray, có thể ngay lập tức bạn chưa đạt được điểm nhưng nó sẽ đem lại cho bạn thuận lợi sau này. Trong Steam bạn nối các con đường để đến các khu khai thác, bạn có nhiều lựa chọn mà tiềm năng có thể mang lại một con đường hoàn hảo cho bạn.

Tile placement thường dùng trong các game xây đường ray

Trong các game thể loại phiên lưu, tile placement phục vụ cho mục đích khám phá. Ở đây, khi đặt thẻ bạn không mang lại điểm chiến thắng, nhưng nó giúp cho bạn khám phá câu chuyện của dòng game. Drakon là một ví dụ điển hình, bạn đặt thẻ để tạo ra con đường trong dungeon mà những người chơi cùng nhau đi trên đó.

Khi được dùng cho các game phiêu lưu, cơ chế tile placement minh họa cho bối cảnh  

Thậm chí đặt thẻ còn có thể là ngẫu nhiên để tăng thêm tính bất ngờ cho game, như được sử dụng trong Betrayal at House on the Hill. Trong game này, bạn lần lượt lật các thẻ phòng và đặt vào để tạo nên ngôi nhà mà người chơi đang thám hiểm. Những game khám phá như vậy đa phần nhấn mạnh vào kinh nghiệm chơi nên phần chiến thuật thường bị bỏ qua.

Nó mở ra nhiều khả năng mới để khám phá

Dù được sử dụng như cơ chế tính điểm hoặc như cách khám phá, thì đặc tính chung của tile placement đó là sự đa dạng và biến đổi. Không giống như việc ghép một bức tranh cố định, mỗi lần chơi bạn và những người chơi khác cùng tạo ra các bức tranh khác nhau. Bạn đã bao giờ chơi một ván Scrabble như nhau chưa?

Lựa chọn trong game có cơ chế này nằm ở tình hình bố trí trước khi người chơi đặt thẻ vào. Nếu trên bàn cờ chỉ có một mảnh vuông đã đặt vào, thì lựa chọn của bạn sẽ giới hạn bởi 4 cạnh của mảnh vuông đó. Nhưng nếu có 2 mảnh vuông, thì lựa chọn của bạn sẽ tăng thêm. Và cứ như thé bội nhân với số lượng các mảnh vuông đặt vào về sau.

Số lựa chọn và chiến thuật sẽ ngày càng phức tạp hơn sau nhiều lượt

Điều này có nghĩa là, càng về sau càng có nhiều lựa chọn. Hệ quả của điều này, mà có thể tìm thấy trong hầu hết các game tile placement, đó là tiến trình game sẽ thay đổi một cách dần dần và tiệm tiến. Lúc đầu, game sẽ khá nhanh bởi số lượng lựa chọn ít. Nhưng càng về sau thì càng phải tính toán, suy nghĩ lâu hơn do số lượng lựa chọn tăng nhiều. Đây là một ưu điểm, nó giúp cho game thay đổi và ít bị nhàm chán. Nó tạo ra một dòng chuyển động cho game hơn là cứ lặp đi lặp lại.

Những game tile placement thường có chiều sâu chiến thuật cao

So sánh với game đấu giá (auction), nơi các lựa chọn vẫn cố định sau nhiều lượt của người chơi, thì cơ chế tile placement hiệu quả hơn ở phương diện này. Đương nhiên là số lượng các lựa chọn nên có một điểm dừng vừa phải, nếu không người chơi sẽ lúng túng khi có quá nhiều lựa chọn và thời gian chơi sẽ kéo dài rất lâu. Một điểm thú vị khác của cơ chế tile placement này là nó đem lại cho người ta cảm giác hài lòng của những trò chơi ghép hình. Mỗi hành động bạn lại tạo ra thêm một bức tranh bí ẩn, và sự thỏa mãn khi tìm ra được điểm phù hợp.

Mỗi lựa chọn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh cuối cùng 

Cuối cùng, những game có cơ chế tile placement thường là game chiến thuật đối kháng (abstract) có nhiều chiều sâu, nhưng ít tương tác lời. Hoặc là những game phiêu lưu khám phá, nơi tính ngẫu nhiên được đề cao. Nếu bạn muốn thiết kế một game thuộc trong hai thể loại này, hãy cân nhắc đến tile placement.

BoardgameVN

Những game sử dụng cơ chế Tile Placement thành công: