Review: Splendor – Những viên đá quý

Đăng ngày 10/05/2016

Là một trong những tựa game được đề cử giải thưởng danh giá Spiel des Jahres 2014, Splendor thật sự gây nên một cơn sốt chưa từng có trong giới board game bởi tính chất đơn giản nhưng gây nghiện của nó.

Lấy bối cảnh thời kỳ Phục Hưng, những người chơi là các thương nhân cố gắng mua các viên đá quý từ nhiều nời khác nhau để đạt được nhiều điểm danh vọng. Nếu đủ giàu có, họ có thể nhận được một chuyến thăm từ một nhà quý tộc nào đó, mà sẽ tăng thêm cho họ nhiều danh tiếng. Thật sự, bối cảnh trên không ảnh hưởng nhiều lắm đến gameplay của Splendor, nhưng ít ra nó cũng cho người chơi vài điểm thú vị và hấp dẫn trên hình ảnh (artwork).

Điểm nhấn mạnh và có nhiều điều được nói tới đó chính là gameplay của trò chơi này. Trong một lượt bạn có 2 lựa chọn cơ bản, 1) lấy 3 viên ngọc khác màu hoặc 2 viên ngọc cùng màu từ ngân hàng 2) mua một trong các thẻ bài có sẵn trên bàn chơi bằng cách trả số tiền (ngọc) tương ứng. Bạn đặt các thẻ mua về trước mặt, những thẻ này có một ngọc ở góc trên bên phải, về sau bạn có thể được hỗ trợ khi mua các thẻ khác. Ví dụ nếu trước mặt bạn có 2 thẻ màu đỏ và 1 thẻ màu trắng, lần tới bạn mua thẻ nào trị giá 2 đỏ và 2 trắng, thì bạn chỉ cần trả 1 trắng cho ngân hàng. Nếu một thẻ có số ở góc trên bên trái, bạn nhận được điểm chiến thắng của nó. Người chơi nào đạt đến 15 điểm đầu tiên sẽ chiến thắng.

Đó gần như là toàn bộ các chơi của Splendor, bạn có thể học trong vòng 5 phút với game này. Bạn lấy ngọc hoặc trả ngọc để mua, chỉ vậy thôi. Nhưng đừng vội cho rằng Splendor là một game đơn giản. Nếu để ý, bạn sẽ thấy có rất nhiều con đường để đạt đến 15 điểm chiến thắng. Nhưng bạn cần phải nhanh hơn đối thù, vậy lựa chọn nào sẽ hợp lý và tối ưu nhất? Bạn sẽ mua những thẻ bài nào để hỗ trợ cho mình? Đối thù sẽ muốn mua những thẻ bài nào? Bạn sẽ mua những thẻ rẻ nhất làm nền tảng sau này để mua các thẻ cao hơn, hoặc bạn để dành tiền mua các thẻ cao ngay lập tức? Đó là phần hack não nhất trong Splendor.

Lối chơi tích trữ tài nguyên để mua thẻ, sau đó thẻ được mua cho một lợi thế này đã xuất hiện trong rất nhiều euro board game. Nó không phải là một điều gì đó mới mẻ hay đột biến. Nhưng cái siêu của Splendor đó là nó đã tối giản lối chơi này, đến một mức độ không thể đơn giản hơn. Nó gạt bỏ những phần phức tạp nhất của cơ chế này và đem nó về bản chất nguyên thủy. Như thế dễ dàng giúp cho những người mới chơi tiếp cận hơn.

Nếu bạn đã từng chơi 1 hay 2 ván của Splendor, bạn sẽ nhận thấy trò chơi này mang tính chất gây nghiện rất cao. Bạn cảm thấy như mình có thể làm tốt hơn ở lần sau. Và sự chênh lệch điểm không nhiều giữa những người chơi khiến cho họ muốn chơi lại ngay lập tức. Áp lực và căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở gần cuối game khi bạn phập phồng lo sợ không biết những người khác có lấy lá bài mình muốn hay không. Cuộc đua sẽ diễn ra kịch tính khi bạn mong đợi mình sẽ là người đạt 15 điểm trước tiên.

Một điểm yếu của Splendor đó là tính tương tác không cao của nó. Cơ bản đây là một game về đua đến điểm chiến thắng, những người chơi khác như một động lực cho nhau để đạt mục đích đó. Đương nhiên nếu bạn tinh tế bạn có thể quan sát người chơi khác, và lấy lá bài họ muốn để làm họ khó khăn. Nhưng với sự linh hoạt, người chơi đó có thể nhanh chóng tìm kiếm phương án thay thế. Mặc dù vậy, tính tương tác không cao là dễ chấp nhận trong những game chiến thuật như Splendor.

Nếu bạn cần một board game đơn giản, dễ học và giá trị chơi lại rất cao thì nên chọn Splendor. Đây cũng có thể là một tựa game giúp người mới đi vào thế giới của game tính toán kinh tế, để sau đó bạn giới thiệu họ đến những game phức tạp hơn như Stone Age, Caylus,... Cuối cùng, nếu bạn quan tâm đến board game, thì hãy thử một lần trải nghiệm Splendor xem điều gì thực sự làm nên tên tuổi của nó – những gì mà chỉ vài dòng chữ của bài review này chưa diễn tả được hết.

BoardgameVN

Mua ngay Splendor tại BoardgameVN tại ĐÂY