Những tiêu chí để đánh giá một board game

Đăng ngày 16/02/2017

1. Hình ảnh

Hình ảnh bên ngoài của một board game chính là thứ đập vào mắt đầu tiên, là ấn tượng quan trọng nhất. Một người có thể mua một game chỉ vì hình ảnh của nó, ví dụ như Dixit, được tạo nên từ các lá bài rất nghệ thuật. Một game hay có thể sẽ không được ưa chuộng nếu hình ảnh không đẹp hoặc bình thường, không đặc sắc. Nó là yếu tố đầu tiên để dẫn dắt người ta vào khám phá lối chơi sâu hơn. 

2. Chất lượng thành phần

Ai cũng muốn một game có chất lượng thành phần xứng với đồng tiền họ bỏ ra. Một game có chất lượng tốt khi các lá bài đủ dày, các quân cờ đẹp và chắc, không có nhựa dư, bàn cờ dễ gập,... Yếu tố này còn quyết định độ bền của game, để mà có thể giữ chơi lâu dài được. Board game hay bất kỳ một sản phẩm nào thì mọi người cũng muốn nó được dùng lâu bền.

3. Cốt truyện

Câu truyện mà một game truyền tải có thể hấp dẫn hoặc không hấp dẫn người mua. Bạn có thể mua một game chỉ vì câu chuyện nó hấp dẫn bạn, như việc bảo vệ tòa lâu đài, hoặc không mua một game chỉ vì câu chuyện nó nhàm chán và không kích thích bạn tham gia.

Thứ hai, câu chuyện đó cần phải được diễn đạt tốt, phù hợp với lối chơi của game, luật chơi mà game minh họa cho nó. Khó có thể chấp nhận câu chuyện một đằng nhưng cách chơi một nẻo, lúc đó câu chuyện chỉ là phần dán lên của một game nào đó.

4. Gameplay

Có thể nói đây là phần cốt yếu nhất của một board game, và quan trọng nhất. Một game có hình thức tốt sẽ dẫn nhập người ta vào, nhưng phải có một lối chơi hay mới giữ họ lâu dài, tạo nhiều cảm xúc trải nghiệm cho họ. Có nhiều khía cạnh của yếu tố này.

a, Chiến thuật

Một game cần khuyến khích người chơi suy nghĩ về chiến thuật để chiến thắng. Đây là một trong những đặc trưng mạnh của board game. Chiến thuật càng cao thì càng thỏa mãn người chơi. Tuy nhiên cũng có một số game không cần chiến thuật mà đơn thuần may rủi, chủ yếu để giải trí.

b. Chiều sâu

Chiến thuật cao có thể dẫn đến chiều sâu của game. Càng sâu thì game càng có nhiều điều để khám phá và để chơi lại nhiều lần.

d. Giá trị chơi lại

Không ai muốn chơi game một ván rồi bỏ, đặc biệt nếu đó là board game. Một game hay sẽ khiến người ta chơi lại nhiều lần, mỗi lần mỗi điều mới mẻ xuất hiện, đó là sự đa dạng không lặp lại, tránh sự nhàm chán.

c. Tương tác

Đương nhiên board game là về tương tác xã hội. Game cần có tương tác nhất định để giữ mọi người chung với nhau. Tùy vào loại người mà có những game tương tác mạnh-yếu khác nhau.

5. Giáo dục

Cuối cùng, giá trị mà game đó mang lại sẽ là một yếu tố quyết định khi đánh giá game. Câu hỏi là liệu game đó có mang lại tính giáo dục về lịch sử, toán học, tư duy logic, kinh doanh,.. hay không? Người ta không chỉ muốn chơi mà còn muốn học, muốn những điều bổ ích rút ra từ board game.

Lần tới khi xem xét một board game, hãy nhớ đến 5 điều trên nhé.

 

BOARDGAMEVN


Xem thêm bộ Cờ Tỷ Phú Việt Nam siêu đẹp tại ĐÂY