Mô hình trong board game - Sức sống của trí tưởng tượng

Đăng ngày 29/03/2017

Yếu tố thẩm mỹ

Ấn tượng đầu tiên khi mọi người nhìn vào các mô hình, đó chính là khía cạnh thẩm mỹ của nó - tính cân đối hài hòa trong từng chi tiết. Cấu trúc của một mô hình thể hiện rõ tính cách của nhân vật mà nó mô tả; đó có thể là một chiến binh dũng mãnh, một phù thủy tinh ranh, chàng tí hon nhút nhát hay con rồng hung dữ,... Một mô hình có thể lột tả câu chuyện nhiều hơn bất kỳ thẻ bài, token, hình ảnh một chiều nào. Đặc biệt đối với những mô hình có màu sắc, tông màu đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý người xem, để họ cảm nhận được sự sinh động của trò chơi board game.

Nhân vật khi đó như bước ra từ thế giới ảo để trở thành hiện thực mà ta có thể cầm, sờ, nắm giữ các kiểu ở mọi góc độ. Khi hai hay nhiều mô hình đứng cạnh nhau, nó vẽ lên một khung cảnh, nói lên một câu chuyện, tuy vô lời nhưng nhiều hơn những ngôn từ có thể mô tả. Một chiến binh cạnh gã khổng lồ một mắt, sự chênh lệch tỉ lệ chiều cao, tầm vóc đối lập với ánh mắt kiên cường của dũng sĩ đang giơ kiếm - tất cả điều đó là một phần của vẻ đẹp board game. Nó thỏa mãn trí tưởng tượng của con người, tạo ra các câu chuyện không biên giới.

Thấm sâu vào kinh nghiệm chơi

Hầu hết các tựa game có mô hình đều thuộc thể loại nhập vai, điều này không phải là ngẫu nhiên. Mô hình trong các game nhập vai thường đồng nhất nó với người chơi, có nghĩa là mỗi người chơi có một mô hình đại diện, sử dụng nhân vật đó đi theo cốt truyện của game. Mô hình như thế trở thành trung gian để một người nhập tâm vào thế giới, câu chuyện của trò chơi. Khi chơi Betrayal at House on the Hill, bạn là một trong các nhân vật phiêu lưu với cá tính, hình dáng riêng, tiến sâu vào ngôi nhà ma. Bạn tưởng tượng mình thực sự là mô hình đó, và đang di chuyển thám hiểm cấu trúc ngôi nhà, vén màn từng bí ẩn. Nếu nhân vật bạn bị tổn thương, bạn cũng có thể cảm thấy đau, nếu nhân vật lên cấp bạn thấy mình mạnh mẽ hơn - đó chính là nhập vai - trở thành nhân vật trong game, qua mô hình. Mô hình mở ra cánh cửa đầu tiên dắt bạn vào thế giới của RPG.

Tuy nhiên không chỉ những game nhập vai mới có mô hình, những game chiến thuật cũng vậy. Mỗi người chơi kiểm soát một đội quân hùng mạnh, với đa thể loại quái vật, tướng sĩ hòng tiêu diệt đối phương. Trên bàn cờ hoành tráng đấy, người chơi có thể cảm thấy quyền lực của bản thân như một vị thần, đủ khả năng xoay xở, chi phối tình huống, vận mệnh của các mô hình. Mô hình càng hoành tráng, chi tiết, cảm giác mang lại càng thỏa mãn. Ở khía cạnh này, đôi khi thành phần game còn truyền đạt được kinh nghiệm nhiều hơn cả chính bản thân luật.

Diễn đạt gameplay

Bên cạnh truyền tải kinh nghiệm chơi, một số board game có thể dùng mô hình như một phần của luật, gameplay. Ví dụ trong Magic: The Gathering – Arena of the Planeswalkers, luật chơi có liên quan đến chiều cao của mô hình trong tương tác combat, nhiều game khác cũng tận dụng loại mô hình có thể tách rời, thay đổi. Trong Black Fleet, các con tàu không chỉ dùng để minh họa cho bối cảnh cướp biển, mà nó còn được thiết kế đặc biệt để vận chuyển các khối cube hàng hóa. Đặc biệt đối với thể loại wargame, kích cỡ mô hình trở nên cực kỳ quan trọng khi đo khoảng cách xác định vị trí, điểm tấn công hợp lệ.

Một sở thích thú vị

Mô hình trong board game, khác với các loại mô hình khác ở chỗ nó không chỉ dùng để ngắm, mà còn có thể được chơi. Nhưng, tại sao chúng ta không ngắm nó? Có nhiều người rất thích sưu tập các loại mô hình trong board game, với nhân vật ưa thích của mình để làm nổi bật lên kệ game của họ, hoặc một góc nào đó nổi bật trong phòng. Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất khi phát hành các mô hình đều để chúng có màu trắng mà không tô sẵn, họ để công việc vẽ màu thuộc về người mua.

Tô mô hình cũng là một thú vui nếu bạn có điều kiện, nó có thể giúp bạn biến bộ board game của mình trở thành độc đáo và duy nhất, trong lúc tận hưởng cảm giác “thổi hồn” vào những nhân vật sắp được đặt lên bàn cờ board game.

BoardgameVN