Những sai lầm người mới thiết kế board game gặp phải

Đăng ngày 10/05/2017

1. Dành quá nhiều thời gian để NGHĨ

Để đi từ một người bình thường, trở thành board game designer thì bạn phải bắt đầu LÀM chứ không chỉ NGHĨ. Việc nghĩ là cần thiết nhưng đừng để nó quá lâu, khiến bạn trì trệ, quá ám ảnh đến nỗi không biết bắt đầu từ đâu. Bắt đầu từ nơi bạn đang LÀ, với bất kỳ thứ gì bạn tìm thấy như giấy, bút, kéo, các thành phần khác. Hãy nghĩ game trong đầu, đến khi bạn cảm thấy được cách nó chơi trong trí tưởng tượng, thì ngay lập tức nhập cuộc liền! Đừng lo về nó cân bằng hay không, hay-dở thế nào, chỉ cần nhìn thấy nó “chạy” được thì bắt đầu làm thôi.

2. Làm prototype quá đẹp

Đây là sai lầm căn bản nhất nhiều người bắt gặp vì không hiểu tiến trình làm một board game hoàn chỉnh. Công việc của bạn như designer là thiết kế luật chơi, chứ không phải hình ảnh (trừ khi bạn quá giỏi). Khi game của bạn đã hoàn hảo ở luật chơi sẽ có người vẽ art đẹp cho bạn nên đừng lo lắng về hình ảnh trong giai đoạn này, mà tập trung làm cho game cân bằng.

Thứ hai, nếu bạn quá đầu tư về thiết kế hình ảnh, bạn sẽ tốn rất nhiều thời gian hao phí. Nên nhớ là bản thô của bạn sẽ thay đổi sau mỗi lần playtest - một số câu chữ nào đó, hay hình ảnh, vị trí nào đó sẽ phải được thêm vào, hay bỏ đi. Chắc chắn là game của bạn sẽ thay đổi, vì vậy nếu bạn quá chăm chút hình ảnh đẹp thì mỗi lần nó thay đổi bạn sẽ phải cất công vẽ lại nữa, và in lại. Bạn chỉ cần làm bản thô đơn giản có thể chơi được, chỉ cần một cụt tẩy bạn có thể xóa dòng chữ nào đó đi và viết lên lại ngay lập tức. Khi đó bản thô của bạn sẽ rất linh động, và tiến trình design của bạn cũng nhanh hơn.

3. Thiết kế game quá phức tạp

Thiết kế board game giống như việc tạc tượng, đầu tiên bạn cần bồi đắp rất nhiều chất liệu vào, sau đó sẽ phải gỡ bỏ đi từng cái một để tạo hình. Càng đơn giản càng tốt, bỏ đi những chi tiết mà bạn cảm thấy không hỗ trợ cho gameplay. Càng nhiều chi tiết rườm rà game của bạn càng khó cân bằng. Đương nhiên với những người design kinh nghiệm thì họ có thể làm dễ hơn. Nhưng với một người mới tập design thì nên bắt đầu với những game đơn giản, có thể dễ chơi được để học tiến trình toàn bộ của việc làm game như thế nào.

4. Bế tắc ý tưởng

Đây là chuyện bình thường khi thiết kế board game. Bất kể bạn đã design bao lâu và có kinh nghiệm đến dường nào, thì việc mắc kẹt ý tưởng, giải pháp cũng là một phần của tiến trình này. Vì vậy chấp nhận nó, đừng đấu tranh với nó để bị kiệt quệ. Thong thả, nuôi dưỡng ý tưởng và nghĩ một cách nhẹ nhàng nhất để đầu óc được linh hoạt. Mang theo một cuốn sổ nhỏ ở bên người vì bất kỳ khi nào giải pháp cũng có thể xuất hiện tới bạn. Nếu cần thiết, trao đổi vấn đề với một người bạn khác quan tâm, biết đâu người ấy sẽ có cái nhìn khác và những gợi ý hữu ích dành cho bạn, thay vì cứ đi luẩn quẩn trong đầu mình.

5. Lấy feedback từ người chơi sai cách

Phản hồi, đóng góp ý kiến từ các người chơi playtester là cực kỳ quan trọng trong thiết kế board game. Nếu không có những ý kiến ấy bạn sẽ không thể phát triển board game của mình được. Nhưng bạn phải biết tiếp thu đúng cách.

Bạn cần biết rằng bạn không được quá coi trọng sự công nhận ở giai đoạn này. Đừng tìm kiếm những lời khen ngợi về việc bạn giỏi thế nào, game bạn hay thế nào. Nó là vô bổ, không giúp cho việc phát triển game của bạn chút nào. Thay vào đó hãy hỏi các câu hỏi khách quan liên quan đến game của bạn, và hãy nhắc mọi người đưa ra các ý kiến chân thật và đảm bảo bạn không bị tổn thương nếu họ chê bai game. Họ nên biết rằng không ai đánh giá một game chưa hoàn thiện cả.

Một thái cực ngược lại, bạn trở nên quá thiếu lập trường khi nghe người khác nói. Chắc chắn bạn sẽ gặp những trường hợp những người chơi luôn cố muốn thay đổi game như thế này như thế kia và bạn bị lung lay, cố gắng hài lòng họ. Không! Nếu bạn thay đổi mọi thứ theo bất kỳ ai thì game của bạn sẽ không đi đến đâu cả, hãy tỉnh táo. Bạn cần có lập trường riêng, bạn không thể biến đổi game để hài lòng tất cả mọi người được. Để làm điều đó bạn cần biết được mục tiêu của game mình, đối tượng mà game hướng đến và bạn muốn làm một game như thế nào. Từ đó bạn sẽ chắt lọc các thông tin phản hồi. Nhưng thậm chí nếu bạn từ chối một ý kiến nào đó, hãy lịch sự nói rằng bạn sẽ xem xét ý kiến đó sau. 

6. Dễ nản lòng

Chắc chắn thiết kế board game thì điều quan trọng nhất là kiên trì. Cho đến khi bạn tạo ra một board game đầu tiên của mình, thì bạn đã rất nhiều lần nản lòng và thiếu niềm tin vào thực lực của bản thân. Nhưng chỉ cần bạn làm được một lần, bạn sẽ biết tiến trình nó dễ nhường nào, và bạn sẽ tạo ra nhiều và nhiều game về sau nữa. Trước hết, bạn cần vượt qua chướng ngại tâm lý đó. Hãy tìm động lực duy trì cho mình từ những người đi trước, hoặc bạn bè xung quanh, hoặc liên tục nhắc nhở mong muốn của bản thân hàng ngày.

7. Lo lắng về bản quyền

Đừng lo. Không ai sẽ ăn cắp ý tưởng của bạn. Mọi người đều bận rộn với ý tưởng của mình nên không có thời gian làm việc trên ý tưởng của bạn. Hơn nữa, cộng đồng board game là nhỏ nhưng rất thân thiện, bất kỳ hành động nào như thế cũng sẽ bị lên án và tẩy chay. Trong suốt lịch sử board game hàng trăm năm thì những trường hợp “đạo” ý tưởng cực kỳ, cực kỳ hiếm. Nó chỉ là một ảo tưởng trong đầu bạn thôi, vì vậy hãy phá vỡ nó và tiến lên.

Chúc bạn thành công trên con đường thiết kế board game, thế giới đang chờ đón board game của bạn!

BoardgameVN

➡️ Theo dõi cuộc thi VBG Design Contest 2017 tại: https://www.facebook.com/events/1813835498658465
✍️ ĐĂNG KÝ TẠI ĐÂY: bit.ly/vbg2017