Review: Dominion – Vương quốc hùng mạnh

Đăng ngày 13/09/2015

Khi nhắc đến thể loại deck-building, người ta thường không ngần ngại liên tưởng ngay đến Dominion – card game thành công đình đám hiện nay. Dominion đã tự khẳng định chính mình lần đầu tiên vào năm 2008 và phát triển qua nhiều expansion mở rộng.

Dominion lấy bối cảnh thời trung cổ nơi bạn xây dựng vương quốc của riêng mình trong cuộc cạnh tranh với những người khác. Vương quốc của bạn được đại diện bởi một bộ bài (deck) do bạn xây nên (building). Bộ bài càng mạnh, càng phối hợp ăn ý thì bạn càng có nhiều tài nguyên và tiền bạc để mua về điểm chiến thắng.

Nếu trong các game khác bạn xây dựng bộ bài trước rồi mới chơi, thì đối với Dominion bạn làm điều đó suốt quá trình chơi, thông qua việc mua các lá bài từ kho chung (supply). Bạn bắt đầu chỉ với 10 lá bài nhưng dần dần nó sẽ dày và phong phú hơn qua nhiều lượt chơi. Trong một lượt bạn chơi 1 Action card để sử dụng chức năng của nó đem về những lợi thế như cộng thêm điểm Action, rút bài, thêm lượt mua, thêm tiền,… sau đó bạn có thể Buy – mua bài từ kho chung; cuối cùng Clean - dọn sạch các lá bài đã chơi và để chúng vào xấp bài bỏ (discard), rút 5 lá bài khác. Nếu khi rút không đủ 5 lá bài thì bạn xào xấp bài discard và tạo thành một xấp bài rút mới – bằng cách này bộ bài của bạn sẽ được tái chế liên tục!

Cách chơi Dominion vô cùng đơn giản và chắc rằng bạn có thể dễ dàng học trong hai phút! Tuy nhiên nguồn sống và chiến thuật của game đến từ các lá bài chức năng (Action). Ở bộ cơ bản, có tổng cộng 25 loại bài chức năng và mỗi loại có 10 bản copy của nó. Mỗi lần chơi bạn có thể chọn tùy ý hoặc ngẫu nhiên 10 loại bài, vì vậy chiến thuật sẽ luôn thay đổi, làm cho giá trị chơi lại của Dominion là cực kỳ lớn. Bởi vì mục đích cuối cùng của bạn vẫn là điểm chiến thắng, mà muốn có điểm chiến thắng bạn cần có tiền, việc quản lý và sản xuất tiền là trung tâm của mọi lối chơi.

Bạn dùng tiền để mua bài Action, và khi bộ bài đã “trơn tru” bạn có thể sản xuất ra thêm nhiều tiền nữa. Khi kết thúc trò chơi, tổng số điểm trên các lá bài chiến thắng sẽ quyết định vị trí của bạn. Tuy nhiên, nếu mua điểm chiến thắng quá sớm thì sẽ là một bất lợi, vì các lá bài này ngoài việc mang về điểm chiến thắng sẽ không có tác dụng gì cả! Còn mua điểm chiến thắng quá trễ thì bạn sẽ bị đối phương tranh thủ trước đấy. Thời điểm là tất cả trong Dominion.

Mọi quyết định đều có ảnh hưởng đến cuộc chơi, thậm chí trong lượt đầu tiên bạn cần xác định loại chiến thuật nào mình sẽ theo đuổi. Liệu bạn sẽ tạo ra một bộ bài dày với nhiều tiền bạc (treasure) kết hợp với Actions, hay một bộ bài mỏng nhưng chất lượng? Liệu bạn sẽ chơi phòng thủ hay tấn công người chơi khác? Lá bài nào sẽ trở thành trung tâm trong chiến thuật của bạn? Làm sao để thích ứng với những người chơi khác?

Mặc dù gameplay xuất sắc nhưng Dominon vẫn để lại khuyết điểm của nó. Về cơ bản, có không nhiều tương tác trong khi chơi. Một số bài Action-Attack phần nào đã giảm nhẹ điều này, tuy nhiên một số người vẫn cảm thấy chưa đủ tương tác. Mặc dù với một vài nhóm chơi điều này sẽ được cân bằng bởi tính cách của nhóm, qua các câu chuyện phiếm bên lề. “Thời gian chết” trong khi chờ đợi cũng là một yếu điểm của game nhưng không phải quá lớn, vì qua nhiều lần chơi, khi người chơi có kinh nghiệm thì tốc độ sẽ tăng lên đáng kể và mỗi lượt có thể diễn ra rất nhanh.

Kể từ sự xuất hiện của Dominion, bắt đầu có rất nhiều game khác với lối chơi tương tự nhưng biến thể khác đi, đủ để cho thấy tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của tựa game này. Nếu bạn đang tìm một card game nhẹ, dễ học nhưng lại có chiều sâu và giá trị chơi lại cao, hấp dẫn và lôi cuốn ngay lần chơi đầu tiên, hãy để Dominion trong “tầm radar” của mình.

BoardgameVN

Ưu điểm:

+Theme hấp dẫn

+Lối chơi sáng tạo

+Dễ chơi

+Chiều sâu chiến thuật

+Giá trị chơi lại rất cao, nhiều expansion

Khuyết điểm:

+Tương tác ít

+Lúc mới chơi có thể có nhiều "thời gian chết" chờ đợi.

Đánh giá: 9/10