5 bước sáng tạo một board game hoàn chỉnh

Đăng ngày 25/09/2018
Sáng tạo board game là một trong những hoạt động thú vị và bổ ích nhất. Nó giúp bạn trau dồi khả năng tư duy, xử lý tình huống, trí tưởng tượng và rèn luyện sự kiên trì. Quan trọng nhất, nó cho bạn cảm giác thỏa mãn khi tạo ra một trò chơi có thể mang niềm vui đến mọi người! 
 
Nó không phải là một công việc khó khăn, chỉ cần bạn nắm bắt được tiến trình cơ bản sau đây và làm theo, điều đó sẽ không là xa vời. 
 
1. Bắt đầu từ một câu truyện
 
Board game, là một trong những hình thức kể chuyện bằng cách chơi. Vì vậy câu chuyện là nền tảng để bắt đầu. 
 
 
Hãy tưởng tượng câu chuyện làm bạn hứng thú nhất và muốn hiện thực hóa nó thành board game. Đó là một dũng sĩ đi giết rồng? Hay về cuộc phiêu lưu của chú chuột? Một trò chơi về trồng trọt chăn nuôi? Một cuộc đua kỳ thú? 
 
Đừng giới hạn trí tưởng tượng của bạn, hãy để nó vươn xa và sống động nhất có thể trong giai đoạn này. Sau khi đã có một câu chuyện ý nghĩa, bạn sẽ đến bước tiếp theo: xây dựng cách chơi.
 
2. Hình dung cách chơi
 
Cách chơi chính là tổng hợp những điều luật minh họa cho câu chuyện của bạn. Nó gồm hai phần:
 
1) Mục tiêu: Cách để đạt đến chiến thắng. (ai về đích trước, ai nhiều điểm nhất, hoàn thành một tổ hợp hình ảnh,...)
 
2) Cách thức để đạt đến mục tiêu đó. 
 
 
Phần này là quan trọng nhất, và là cốt lõi của toàn bộ trò chơi. Bạn sẽ nghĩ ra những cách chơi để giải quyết các tình huống trong trò choi. Ví dụ, nếu đó là một trò về các chiến binh đánh nhau tranh giành bảo vật, thì bạn phải tự hỏi “đánh thế nào?”, “di chuyển ra sao?”, “những vật dụng hỗ trợ là gì?”... Hãy ghi chép các luật này ra giấy để tránh bị quên. 
 
*Quan trọng: Đừng lo về vấn đề cân bằng (nó sẽ nằm ở bước 5). 
 
Mục tiêu ở bước 2 này của bạn: Làm ra một board game CHƠI ĐƯỢC - có nghĩa là nó phải chạy trơn tru từ đầu đến cuối.
 
3. Làm bản thô
 
 
Sau khi đã có một bộ luật chơi mà bạn NGHĨ rằng có thể chơi được, thì hãy nhanh chóng làm ra một bản thô để thử nghiệm.
 
Bản thô tức là những thành phần để chơi game do bạn làm ra, từ các vật liệu thô sơ dễ kiếm như giấy, xốp, xúc xắc, quân cờ,... 
 
*Lưu ý: Đừng làm bản thô quá đẹp! Bởi vì bạn sẽ còn phải chỉnh sửa nhiều thứ sau này, nên nếu làm quá kỹ, quá đẹp sẽ rất mất công để điều chỉnh. Một bản thô viết tay cũng được, nếu không thì bạn có thể sử dụng máy in, sau đó cắt ra từng phần. 
 
4. Chơi thử
 
 
Sau khi đã có bản thô chơi được, bạn sẽ phải chơi thử. Bạn rủ thêm bạn bè mình và cùng ngồi chơi. Hãy nói rằng đây là game bạn tạo ra và nó chưa hoàn thiện, bạn cần họ chơi, tìm ra lỗi và sau đó chỉnh sửa để nó tốt hơn. 
 
Bây giờ, thì chơi! Đừng quá đặt nặng vấn đề hay dở, nhớ rằng không có board game nào hay ngay từ đầu được mà phải qua một quá trình lâu dài. 
 
Hãy để một cuốn sổ và cây viết bên cạnh, suốt quá trình chơi nếu có gặp vấn đề gì thì hãy ghi lại. 
 
 
Ở đây sẽ có hai trường hợp: 
 
+Trò chơi không thể diễn ra được: Nó bị lỗi quá nặng và không thể chơi tiếp. Nếu vậy thì hãy dừng lại và nghiên cứu tiếp. Nếu sau khi nghiên cứu lâu mà vẫn không có giải pháp, thì bạn đành từ bỏ ý tưởng này.
 
+Trò chơi có thể chơi được từ đầu đến cuối nhưng chưa hay: Tốt. Nếu trường hợp này thì bạn chỉ cần giải quyết vấn đề cân bằng. 
 
Sau mỗi buổi chơi thử, đừng quên cảm ơn người chơi cùng bạn. Và hãy để họ cho những ý kiến cảm nhận về trò chơi này, hãy khuyến khích sự chân thật. Hỏi họ những câu hỏi bạn muốn. (Trò này có gì hay, có gì dở? Thời gian chơi quá lâu? Có chỗ nào lỗi?,...) Đừng cảm thấy bị tổn thương bởi những nhận xét này, bởi vì nhờ đó bạn mới có thể làm trò chơi hay hơn.
 
5. Sửa lỗi và chơi thử lại
 
 
Mục tiêu của quá trình chơi thử: Cân bằng và làm cho nó hay. 
 
Cân bằng có nghĩa là tất cả đều có cơ hội như nhau để chiến thắng, không ai quá mạnh hay quá yếu, không một chiến thuật nào chiếm ưu thế hơn hẳn. Ở đây có liên quan nhiều đến số học và tính toán. 
 
Còn “hay” thì có nghĩa là nó đem lại cảm giác thú vị, kích thích và mong muốn chơi lại. Yếu tố này bạn cần tạo ra bằng cách thay đổi luật chơi, nghĩ ra nhiều cách độc đáo hơn để nó vui.
 
Ở đây bạn phải nhìn lại các ý kiến có được suốt quá trình chơi thử và cân nhắc cho kỹ lưỡng. Đừng luôn luôn nghe mà cũng đừng luôn luôn bác bỏ ý kiến của người khác. Bạn sẽ phải tự cân nhắc và quyết định thay đổi luật nào, giữ lại luật nào.
 
Những thay đổi này sẽ tạo ra cho bạn một phiên bản nâng cấp của board game. Bạn có thể phải cần thay đổi bản thô trong giai đoạn này. Đến khi đã hài lòng và tin rằng trò chơi của bạn sẽ tốt hơn, hãy mời lại những người bạn đến chơi lần nữa. (quay lại bước 4) 
 
 
Cuối cùng, sau một thời gian chơi nhiều lần, sửa nhiều lần, bạn đã cảm thấy trò chơi hay hơn và hoàn toàn được cân bằng. Lúc này, xin chúc mừng bạn đã hoàn thành một board game cho riêng mình! 
 
BoardgameVN