ĐÁNH GIÁ CHI TIẾT: SCYTHE - CUỘC CHIẾN DANH VỌNG

Đăng ngày 10/09/2019


 

 

Scythe được phát hành vào năm 2016, là một game Châu Âu lấy bối cảnh ở một thế giới giả tưởng vào những năm 1920.

 

Sau một cuộc đại chiến lớn, các quốc gia đều đã kiệt quệ, và phải bắt đầu lại công cuộc cải tiến, vực dậy đất nước, về cả nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế (có thể nói giống với VIệt Nam những năm 75 của thế kỷ trước). Đan xen với các hoạt động sản xuất là những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, chạy đua vũ trang diễn ra thường xuyên. Nhìn chung, game là tổng hòa của rất nhiều yếu tố quen thuộc của board game châu Âu như xây dựng, khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế,... tuy nhiên có những điểm sáng tạo đặc biệt trong cơ chế chiến tranh, giúp người chơi có thêm nhiều chiến thuật để giành chiến thắng.

 

Game được phát triển bởi hãng Stonemaier - cha đẻ của các game nổi tiếng như Viticulture, Wingspan hay Between Two Cities. Sự thành công của game đã nối tiếp cho sự ra đời của hàng loạt bản mở rộng như Invasion from afar (thêm 2 Phe phái nữa, tăng số lượng người chơi lên 7), The Wind Gambit (Thêm các đơn vị Tàu bay cho mỗi nhà, dẫn đến những thay đổi về di chuyển cũng như chiếm đóng) hay Rise of the Fenrir (Thêm cơ chế chơi Campaign hấp dẫn), và vô vàn mini-expansion khác.  Điểm của Sythe trên BGG hiện tại đang là 8.3/

 

1. Thời lượng: 90-150 phút. 

Thời gian tương đối dài, vì có đến 6 nhiệm vụ bạn phải hoàn thành để kết thúc game. Tuy nhiên điều này hoàn toàn xứng đáng với độ cuốn hút mà game mang lại cho người chơi

 

 

2. Độ khó: 3/5. 

Game tổng hợp nhiều yếu tố như xây dựng, khai thác tài nguyên, kiểm soát lãnh thổ và chiến tranh, vì thế sẽ hơi khó cho người chơi lần đầu bắt kịp toàn bộ diễn biến của game. Tuy nhiên hầu như game không có text nên việc học luật thông qua các icon sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Cơ chế của game cũng không quá phức tạp, vì nó không đi sâu vào bất kỳ mảng nào (điều này đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, nhưng là một yếu tố giúp người mới “dễ thở” hơn)

 

3. Chất lượng thành phần: 

Tuyệt hảo. Thiết kế những figure đỉnh cao, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Map cực dày và rộng, cho người chơi thỏa sức tung hoành. Tuy nhiên các token gỗ, đặc biệt là các công trình nếu làm to hơn một chút (cầm vừa tay hơn) thì có lẽ sẽ thuận tiện hơn.

 


 

4. Bối cảnh: Artwork tranh phong cảnh nhưng lại đậm chất steam-punk ở trong đó. Hình ảnh những cỗ máy to lớn, di chuyển lù lù trên những cánh đồng, những con đường làng quê mang đến một cảm giác cực kỳ thích thú, hòa trộn giữa quá khứ và hiện đại một cách hoàn hảo. 

 

 

Phong cách này mang chúng ta đến với một “kỷ nguyên vĩ đại dù chưa bao giờ tồn tại”, kết hợp những đường nét hài hòa thanh thoát trong nghệ thuật tranh khung cảnh với những hơi thở thời đại lấy cảm hứng từ ngành công nghiệp máy móc chạy bằng hơi nước ở thế kỷ XIX. Đặc biệt với bối cảnh ở Đông Âu, chúng ta như được đắm mình vào một thế giới giả tưởng đầy mê hoặc, hòa trộn giữa truyền thống và hiện đại, thô sơ và máy móc một cách đầy tinh tế.

 

5. Thích hợp với: 

Những nhóm bạn thích game chiến thuật căng não. Đây thực sự không phải là một trải nghiệm vui vẻ đơn thuần, mà bạn sẽ phải tập trung hết sức vào ván đấu, để bắt kịp mọi nước đi và chiến thuật của những người chơi khác. Tuy nhiên game lại có thể chơi với nhóm có số lượng người đa dạng, từ 2-5 người (7 nếu bạn mua cả bản mở rộng), và càng đông thì càng vui, nên đây cũng là lựa chọn đáng để thử cho những nhóm bạn đông người mà muốn có những trải nghiệm mới hơn là Ma sói hay Mèo nổ. Đặc biệt, game còn có chế độ solo đánh boss dành cho 1 người, thích hợp cho các FA chân chính thích sự cô đơn yên tĩnh.

 

6. Độ cân bằng: 

Điểm trừ không nhẹ cho game, khi hầu hết mọi người đều bình luận rằng nhà Trắng yếu hơn hẳn so với các nhà còn lại. Khả năng của Faction này chỉ đơn giản là được nhận nhiều lợi ích hơn khi bốc lá Encounter, mà trong game cố gắng lắm thì họ cũng chỉ bốc đươc 3-4 lá Encounter mà thôi. Khả năng chiến tranh của nhà Trắng cũng không có gì đặc biệt, vì thế những người đã chơi qua đều đánh giá rất khó để có chiến thuật hợp lý khi chơi nhà này, và rất dễ bị người khác áp đảo.

 

7. Mức độ chơi lại: 

Trung bình. Nhóm mình đã từng chơi, và đổi đến khi 1 người được chơi hết 5 nhà, và từ đó cũng ít động lại game này. Với những người đã chơi các thể loại game này rồi sẽ dễ nắm bắt các chiến thuật cần thiết để ghi được điểm cao, và sau một vài lần chơi, ngay cả chọn 1 nhà mới chưa chơi bao giờ họ cũng có thể tìm ra chiến thuật cho mình sau một thời gian ngắn.

 

 

8. Điểm đặc biệt:

 

Nếu để chọn 1 điểm đặc biệt mà Scythe vượt trội hẳn so với các game khác thì đó chính là cơ chế bảng hành động. Có 4 khu vực hành động cho người chơi lựa chọn, mỗi khu vực lại có 2 hành động có thể thực hiện. Việc phân chia các hành động hàng trên và hàng dưới vào từng khu vực của mỗi bảng người chơi lại khác nhau, vì thế mỗi ván đấu bạn phải nghiên cứu kỹ 2 hành động trong từng khu vực là gì, để tối đa hóa việc thực hiện chúng.

 

Hành động nâng cấp của game là một hành động khá độc đáo. Nó giúp người chơi chuyển những khối vuông (thường gọi là khối Công nghệ) từ hàng trên xuống hàng dưới, tạo ra những lợi thế mới. Các khối vuông ở hàng trên sẽ mở ra những khả năng mới cho người chơi, và có cũng sẽ che đi phần giá cả ở hàng dưới, điều này tượng trưng cho việc tiến bộ trong khoa học giúp con người giảm thiểu những chi phí về tài nguyên và nhân công. Rất thực tế và hữu dụng, đúng không nào?

 

9. Cảm nghĩ: 

 

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mình chính là artwork đẹp mê hồn và thực sự độc đáo. Mình đã không khỏi ngạc nhiên khi nhìn vào bức tranh trên nắp hộp game: Vẫn là hình ảnh những người nông dân trên cánh đồng, những người lính đang hành quân và khung cảnh làng mạc quen thuộc, và xa xa là… những cỗ máy khổng lồ! Điều này đã thu hút mình tìm hiểu ngay luật của game, và đắm chìm vào thế giới giả tưởng của miền đông châu Âu đậm chất steam-punk này.

 


 

Không chỉ bức ảnh ngoài bìa, artwork của toàn bộ game được làm hoàn toàn xuất sắc. Những figure thủ lĩnh và mech được làm tỉ mỉ đến từng chi tiết, những lá bài encounter mô tả các tình huống thực tế cực kỳ đa dạng và chân thật đến sinh động, và map thì đẹp tuyệt vời. 

 

Xét về tổng thể, đây là một game phức tạp, tuy vậy hầu như các tác giả không cần dùng đến text khi mô tả các khu vực hay các hành động game (trừ các lá nhiệm vụ và encounter). Tất cả được thay thế bằng các icon cực kỳ thông minh và dễ hiểu - giúp người mới không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. 

 

Tuy nhiên, dù điểm mạnh của nó là rất rõ ràng, game vẫn khong tránh được một điểm yếu, thứ đã ngăn nó trở thành một trong những trò war game vĩ đại nhất. Đó chính là việc tác giả đã ôm đồm quá nhiều thứ vào trong cùng 1 tựa game, từ kinh tế, chiến tranh, đến tranh đoạt lãnh thổ rồi kiểm soát tài nguyên. Điều này khiến cho game trở nên bị phân tán, khi mà không có yếu tố nào trở nên thực sự nổi bật. Cách kiểm soát tài nguyên khá… đơn điệu, cũng như cách chiến đấu không có gì đặc sắc. Thậm chí trong game người ta chỉ chiến đấu với nhau từ 1-2 lần để dành sao cuối cùng là hết game.

 

Đây là một điểm yếu khá đáng tiếc, nhất là với một board game có artwork được đầu tư kỹ lưỡng như Scythe. 

 

Bạn có muốn du hành khám phá trong thế giới giả tưởng của miền đông châu Âu này?

>>> Đặt mua game gốc tại đây: https://boardgame.vn/chien-thuat/scythe-us-630

- Đức Phớ -