[REVIEW] A GAME OF THRONES (US) - CUỘC CHIẾN VƯƠNG QUYỀN

Đăng ngày 03/01/2020

Vua Robert đã chết, và 7 Vương quốc trên lục địa Westeros rơi vào hỗn loạn.

 

Ngai Sắt đã bị bỏ trống, và cuộc tranh quyền đoạt vị giữa các gia tộc hùng mạnh bắt đầu nổ ra. Các lãnh chúa bắt đầu điều động binh lính của mình tiến quân ra các vùng lãnh thổ rộng lớn xung quanh, với mục tiêu lan rộng tầm ảnh hưởng của mình đến những gia tộc chư hầu trong khu vực. Đội quân của các gia tộc sẽ mạnh lên theo thời gian, diện tích đất của họ cũng dần được bành trướng trên một vùng Westoros chật hẹp, và rồi điều gì đến cũng phải đến. Những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ nổ ra quyết liệt, những cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa những tướng tài của các phe, những âm mưu khó lường,.... tất cả tạo nên một bối cảnh cực kỳ loạn lạc, một chiến trường không khoan nhượng nhưng đầy tính toán của mỗi bên.

 

 

Được chuyển thể thành game từ bộ truyện nổi tiếng A Song of Fire and Ice - cũng là tiền đề cho series phim đình đám cùng tên, trò chơi Game of Thrones từ khi ra mắt vào năm 2011 bởi nhà phát hành Fantasy Flight Games (nhà phát hành đã có bản quyền của bộ sách, và cho ra đời rất nhiều game liên quan đến tiểu thuyết này như Catan: Game of Thrones hay Monopoly,....) đã gây bão cho cả cộng đồng boardgame, và có một lượng fan trung thành vô cùng lớn.

 

Để theo kịp tiến độ của bộ sách, game đã cho ra mắt các bản mở rộng mini để các tình tiết, nhân vật trong trò chơi trở nên “hợp thời” hơn. Năm 2018, trò chơi lại tiếp tục gây sốt với bản mở rộng lớn đầu tiên Mother of Dragons, nâng tổng số người chơi lên con số 8 - báo hiệu cho một cuộc chiến “đã loạn nay càng loạn”

 

Game of Thrones là một game chiến thuật hạng nặng, kết hợp yếu tố chiến tranh và quản lý thẻ bài thường thấy trong các war game, nhưng mang đến một làn gió mới với hình thức đặt lệnh và đấu giá. 

 

Quân của bạn sẽ không chỉ di chuyển và đánh nhau, mà sẽ còn có phòng thủ, cướp bóc, thống trị hay hỗ trợ nữa. Tất cả các lệnh đều được các người chơi đặt xuống đồng thời tại vùng đất mà mình kiểm soát trong Giai đoạn Lên kế hoạch (Giai đoạn 2 của 1 lượt). Điều hay là ở chỗ các lệnh sẽ đều đặt úp, và không ai biết những người còn lại đã đặt gì. Điều này khiến cho game trở thành cuộc đấu trí đến… nát óc giữa các nhà thao lược, vì bạn cần phải tính đến việc đối phương đang nghĩ gì trong đầu, hay thậm chí là đối phương đang nghĩ bạn nghĩ gì trong đầu!! 

 

Hình ảnh có liên quan

 

Game trở nên kịch tính hơn rất nhiều khi dần dần quân đội của mỗi người kiểm soát nhiều địa bàn hơn, khiến cho căng thẳng gia tăng. Và yếu tố bất ngờ là điều sẽ xảy ra liên tục, không phải đến từ các sự kiện trong game mà bởi vì chính sự hack não lẫn nhau của người chơi. Bạn nghĩ rằng đối kẻ ở vùng đất bên cạnh đã tập trung một lượng lớn quân đội, nên chắc chắn sẽ tấn công mình lượ này. Vì vậy bạn đã dồn toàn lực phòng thủ vững chắc cho khu vực đó, nhưng khi lật lên hóa ra hắn chỉ đánh lạc hướng để bạn mất tập trung, để sơ hở 1 vị trí trọng yếu khác và ngay lập tức bị thọc sườn. Vẫn chưa dừng lại, kẻ vừa tự tin chơi bạn một vố đau cuối cùng lại trở thành bại nhân khi bị tàu của một người chơi khác nữa đánh úp, thủy quân bị nướng sạch. Vô số những bất ngờ nối tiếp bất ngờ được tạo ra chỉ trong một lượt, vì vậy để tính toán 1 chiến lược “toàn thắng” gần như là không thể. Bạn chỉ có thể tính toán xác suất xảy ra mỗi khả năng và đưa ra chiến lược khả quan nhất cho mình mà thôi.

 

Hình ảnh có liên quan

 

Một yếu tố khác mang đến sự “đau đầu” cho người chơi không kém gì các cuộc chiến chính là màn “đấu giá tầm ảnh hưởng” và “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Đó là cơ chế khi có sự kiện xảy ra, người chơi sẽ phải bỏ 1 số token ảnh hưởng nhất định (được xem như đơn vị tiền tệ trong trò chơi này) để đấu giá các món đồ giá trị, hay chung sức chiến đấu chống lũ Man tộc. Bạn được biết người chơi khác có tổng số token là bao nhiêu, nhưng số người đó đưa ra để đấu giá thì không. 

 

Vì vậy, câu hỏi đặt ra cho bạn là: có nên dồn tiền cho món đồ này không, tên kia sẽ chịu chi bao nhiêu cho lần đấu giá này, có cần thiết phải thắng lũ Man tộc trong trận này không,... Những cuộc trao đổi, gạ gẫm, thương thuyết diễn ra qua lại giữa những người chơi không khác gì những cuộc đàm phán giữa các chính trị gia ở các phe: ai cũng đa nghi, giả tạo, với những tính toán riêng mà họ không nói thành lời. Chỉ khi mọi thứ được lật mở, bạn mới biết được thực sự những kẻ kia đang suy tính điều gì, và có thể cũng là quá muộn rồi. Liệu tình anh em chắc có bền lâu….

 

Nhìn chung, Game of Thrones là một war game có yếu tố chính trị đa phương thực tế đến trần trụi, dù bối cảnh của nó khác xa thời hiện tại. Một gameplay không thể thông minh hơn, với sự kịch tính và bất ngờ được đẩy lên cao độ, mang đúng tinh thần của bộ sách gốc cũng như loạt phim đình đám của đài HBO. Điều duy nhất nó không làm được chắc chỉ là không mang được những cảnh máu me, bạo lực trong phim ra ngoài đời thôi :)))

 

Điểm cộng:
 
  • Kịch tính, cuốn hút, đầy bất ngờ
  • Mang đúng tinh thần của bộ truyện gốc, từ cách thiết kế map, lá bài đến chiến tranh và các “âm mưu chính trị”
  • Gần như không có yếu tố may mắn (trừ phi bạn sử dụng thêm các lá Tides of battle), thích hợp cho những người cầu toàn về chiến thuật
 
Điểm trừ:
 
  • Game hạng nặng, chơi mất rất nhiều thời gian
  • Tốn khá nhiều năng lượng, đặc biệt là nơ-ron thần kinh
  • Các fan cho rằng game thiếu đi sự cân bằng khi nhà Lannister luôn bị coi là yếu hơn hẳn so với các nhà khác.
 

Thực sự đối với mình đây là war game hay nhất mình từng chơi. Nó không chỉ mang đến những bất ngờ và những cú lộn ngược dòng ngoạn mục, mà còn giữ được những giá trị tinh túy của bộ tiểu thuyết cùng tên: đó là những cuộc chiến vương quyền đẫm máu, những màn đấu trí căng thẳng giữa các gia tộc. Thời buổi loạn lạc, khi mà mọi người sẵn sàng đạp lên nhau mà sống, thì những kẻ tin vào cái gọi là Bằng hữu, bạn bè, chính trực,... chỉ là những kẻ hão huyền”. 

 

Thật vậy, cơ chế trong game cho phép bạn thoải mái “liên minh” với người chơi khác, giúp hỗ trợ lẫn nhau để đánh bại một kẻ thù chung hay chỉ đơn giản là “không động đến lãnh thổ của nhau”. Nhưng liệu bạn có tin được điều đó, để rồi khi những token lệnh được lật mở, kẻ vừa tay bắt mặt mừng với bạn lại lật mặt và ra lệnh tấn công chính bạn. Rồi khi mọi người cùng đóng góp để chống lại một kẻ thù chung, ai chắc chắn rằng những người khác cũng bỏ ra số tiền như họ đã nói.

 

Tất nhiên, các trò chơi được tạo ra để cho bạn có những phút giây thư giãn thoải mái, nhưng nếu muốn thực sự thả hồn vào thế giới của Game of Thrones, hãy chơi với một nhóm bạn láu cá, ‘không từ thủ đoạn nào để chiến thắng”, thì game mới thực sự phát huy hết thế mạnh của nó. Và nếu cùng là fan của GoT, cả sách lẫn phim nữa thì tuyệt vời. Động lực dành cho bạn chính là: hãy cùng chơi để thay đổi cái kết đáng thất vọng của GoT mùa 8 nào!!!!

 

>> Đặt mua board game tại đây: https://boardgame.vn/board-game-us/a-game-of-thrones-us-977

Đức Phớ