[REVIEW] TINY EPIC QUEST

Đăng ngày 07/01/2020

Tiny Epic Quest là một sản phẩm trong chuỗi board game Tiny Epic được thiết kế bởi Scott Almes (Kingdoms, Galaxies, Defenders, Western) của nhà sản xuất Gamelyn Games. Almes là nhà thiết kế board game nổi tiếng, với Martian Dice King of Air and Steam là những sản phẩm đầu tay.

 

Được ra mắt vào năm 2017, TEQ chính thức giới thiệu đến thế giới board game khái niệm ITEMeeples, khi các Meeples có thể cầm nhiều vật phẩm cùng lúc, có thể là đấu sĩ cầm binh phép, kiếm, pháp sư cầm cung… Đây là một trò chơi phiêu lưu, chiến thuật lấy bối cảnh thế giới giả tưởng, vào vai những người hùng tiêu diệt vương quốc yêu tinh. Trò này không khó, thích hợp chơi với gia đình, bạn bè. Trò chơi được thiết kế cho từ 1-4 người, thời lượng chơi khá nhanh khoảng 30 đến 45 phút, thích hợp cho độ tuổi từ 14 trở lên và phù hợp với mọi người. 

 

Trong trò chơi này bạn sẽ vào vai người hùng tiêu diệt yêu tinh, điều khiển một nhóm 3 nhân vật, tìm cách trở thành người mạnh nhất trong vương quốc.

 

 

Mỗi người chơi sẽ chọn 1 thẻ người chơi để theo dõi tiến độ của mình trong game (chỉ số máu/sức mạnh). Các thẻ bản đồ được sắp xếp khá ngẫu nhiên, ba nhân vật của người chơi bắt đầu ở lâu đài cùng màu trên thẻ bản đồ.

 

Gameplay mới lạ, có tất cả 5 vòng chơi, mỗi vòng được chia làm 2 giai đoạn: ban ngày và ban đêm. Ban ngày, người chơi di chuyển, sắp xếp vào những vị trí thuận lợi nhất có thể, chuẩn bị để đánh yêu tinh, làm nhiệm vụ, học bùa chú hoặc khám phá các ngôi đền. Có 5 lá bài di chuyển tượng trưng cho 5 cách di chuyển: 

  • Bằng ngựa: di chuyển nhân vật tới thẻ bản đồ khác theo chiều ngang
  • Bằng bè: di chuyển nhân vật tới thẻ bản đồ khác theo chiều dọc
  • Bằng quái ưng: di chuyển nhân vật tới thẻ bản đồ khác theo hướng chéo
  • Bằng thuyền: di chuyển nhân vật tới thẻ bản đồ bất kì ở rìa ngoài
  • Bằng chân (đi bộ): di chuyển nhân vật tới thẻ bản đồ bất kì bên cạnh

 

Việc di chuyển trong game mang tính chiến thuật, không chỉ để thuận lợi cho việc làm nhiệm vụ mà ảnh hưởng lớn đến giai đoạn sau của game. Giai đoạn ban ngày có 4 lượt (bất kể số lượng người chơi), mỗi lượt bao gồm việc chọn cách di chuyển và việc di chuyển của tất cả người chơi. Người chơi đầu tiên (người giữ Token “người chơi đầu tiên”) chọn một lá di chuyển, đưa một trong 3 nhân vật đến thẻ bản đồ mong muốn theo quy luật trên lá hoặc chọn Idle (không di chuyển). Những người chơi tiếp theo tương tự, tiếp tục di chuyển theo lá di chuyển đã chọn hoặc Idle. Sau khi kết thúc một lượt, lật úp lá di chuyển vừa chọn (không còn được sử dụng trong vòng này), người chơi tiếp theo chọn cách di chuyển còn lại và lặp lại tới khi 4 sử dụng hết 4 lá bài di chuyển (4 lá lật úp), tiếp đến là giai đoạn ban đêm.

 

 

Ban đêm, người chơi lần lượt đổ xúc xắc, với nỗ lực hoàn thành 3 hành động được sắp đặt từ ban ngày: khám phá vật phẩm ở đền, tấn công yêu tinh ở cổng hoặc/và học bùa chú ở các khối đá cổ. Người chơi với xúc xắc có thể chọn tung để “phiêu lưu” hoặc chọn “nghỉ”, xúc xắc được tung sẽ ảnh hưởng tới những người chơi khác. Sau khi tất cả người chơi “nghỉ”, chủ động nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ (vd: ở bậc cuối của đền nếu “nghỉ” vào ban đêm sẽ hoàn thành) hoặc bị kiệt sức (hết máu), sắp đặt lại các Magic Token, các thẻ di chuyển, trạng thái yêu tinh… để chuẩn bị cho vòng mới. Cơ chế “press your luck” khiến game trở nên khó đoán, thú vị hơn, người chơi phải suy nghĩ, tính toán chọn liên tục phiêu lưu, tung xúc xắc, đánh đổi máu, liều để hoàn thành mục tiêu của mình hay chọn “nghỉ” để bảo toàn tiến độ. Nếu bạn đánh liều vận may, càng đổ xúc xắc, ban đêm sẽ càng nguy hiểm.

 

Người chiến thắng là người giành được nhiều điểm nhất sau 5 vòng. Game không nhanh chán, thẻ bản đồ tuy không đổi nhưng mỗi lần chơi là một lần sắp xếp khác nhau, có thể lựa chọn tập trung vào một trong ba hướng (học bùa chú, giết yêu tinh, hoàn thành nhiệm vụ) đạt điểm để giành chiến thắng, nên tập trung vào một hướng nhưng không nên bỏ qua xem nhẹ những hướng khác.

 

 

Điểm cộng: 

  • Luật chơi đơn giản, người mới chơi có thể nắm bắt nhanh những điều cơ bản
  • Thiết kế: Hình ảnh và thiết kế đẹp mắt, ngộ nghĩnh (điểm cộng lớn nhất về thiết kế là các ITEMeeples)
  • Yếu tố chiến thuật: Hấp dẫn nhưng không quá nặng về chiến thuật, có yếu tố may mắn
  • Có thể chơi một người
  • Đối tượng người chơi: Yêu thích chiến thuật, hoàn thành nhiệm vụ, gia đình

 

 

Điểm trừ:

  • Ít sự tương tác, cạnh tranh giữa các người chơi với nhau (mua phiên bản Deluxe)
  • Khá chiếm diện tích
  • Cơ chế “press your luck” với nhiều yếu tố may rủi có thể ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm chơi


 

Mình thấy Tiny Epic Quest là một board game đang chơi, đơn giản mà thú vị, không chóng chán. Thiết kế hộp nhỏ gọn, thuận tiện khi mang đi cafe, du lịch với bạn bè, gia đình nhưng chiếm diện tích chơi lớn nên cần cân nhắc vị trí chơi. Với quyển luật 24 trang và việc sắp xếp các components (nhất là các vật nhỏ) khi bắt đầu chơi, bạn có thể cảm thấy hơi rối nhưng chỉ từ khoảng game thứ hai trở đi sẽ quen với trật tự và cơ chế của game, cảm thấy hợp lý, đâu vào đó cả.

 

 

Game có thiết kế ngộ nghĩnh, hình ảnh artwork, màu sắc tươi sáng, bắt mắt. Các ITEMeeples thực sự là điểm cộng rất lớn của trò này, mỗi khối nhân vật bằng nhựa này có 2 lỗ ở mỗi bên tay (trước/sau), có thể gắn các trang bị thu thập được trong quá trình chơi vào. Bạn có thể chỉ cần các thẻ bài để ghi nhớ các vật phẩm kiếm được nhưng chắc chắn nhìn các nhân vật của mình di chuyển xung quanh bản đồ với kiếm, khiên, boomerang… sẽ thú vị hơn rất nhiều, thật sự làm trò chơi trở nên khác biệt.

 

Lối chơi của trò này không phải xuất sắc, nhưng có những điểm làm mình cảm thấy thú vị như hai giai đoạn ban ngày/ban đêm, ban ngày sắp đặt, chuẩn bị cho ban đêm, còn ban đêm càng chơi càng cuốn nhưng cái giá phải trả sẽ đau hơn. Cơ chế “đánh liều vận may” ở giai đoạn ban đêm khiến bạn cảm thấy hào hứng, đôi khi là cay cú, căng thẳng. Chẳng hạn bạn đang rất cần thêm một “ngọn đuốc” để hoàn thành ngôi đền đang làm dở nhưng nếu xúc ra phải yêu tinh, mất đi vạch máu cuối cùng thì thôi xong, tất cả nỗ lực từ nãy đến giờ tiêu tan, bạn buộc phải “nghỉ” và trở lại lâu đài. Game có nhiều cách để đạt điểm, nhiều cách tiếp cận mỗi lần chơi, cảm giác tự do, có nhiều sự lựa chọn làm những gì mình muốn. Thẻ bản đồ có thể chơi mặt sau (mặt tối) khi sắp xếp game ban đầu để chơi với mức độ khó hơn. Chế độ chơi solo “The legend of the chosen one” với một số luật thay đổi cho những bạn nào muốn chơi mà chưa tìm được đối tác hoặc chỉ đơn giản là muốn dành thời gian một mình tìm hiểu game

 

>>> Đặt mua board game tại đây: 

https://boardgame.vn/all-games/tiny-epic-quest-retail-us-1339

 

Phúc Nguyễn