[REVIEW] PANDEMIC - ĐẠI DỊCH VIRUS

Đăng ngày 10/02/2020

Review Gameplay Pandemic

Liệu thế giới này sẽ có ngày đi đến hồi kết?

Thảm kịch nào sẽ xảy ra khiến con người diệt vong?

Phải chăng đó là do một cơn đại hồng thủy, một thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái Đất, chiến tranh hạt nhân hay Người ngoài hành tinh xâm chiếm như ta vẫn thường xem trong các bộ phim Hollywood?

 

 

Diệt chủng có thể không đến từ những thứ to tát như thế, mà đến ngay từ những thứ nhỏ bé, có khả năng sinh sôi nhanh chóng, hủy diệt chúng ta từ bên trong - những loài virus đáng sợ có thể quết sạch sự sống trên cả 1 hành tinh. Và đó chính là bối cảnh mà Pandemic mang tới cho chúng ta - khi những mầm bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát và lây lan với tốc độ chóng mặt. Liệu bạn có thể chạy đua với thời gian và cứu được thế giới trước khi con người hoàn toàn bị tiêu diệt?

Ra mắt vào năm 2008, với lối chơi co-op cực kỳ sáng tạo và đầy bất ngờ, trò chơi của hãng boardgame đình đám Z-Man đã ngay lập tức ẵm về vô số giải thưởng danh giá từ nhỏ đến lớn, trở thành một trong những trò chơi được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Đó cũng là bước đà thuận lợi để nhà sản xuất tiếp tục cho ra mắt những bản mở rộng và standalone mới trong những năm tiếp theo. Tiêu biểu có thể kể đến như các bản mở rộng Pandemic: On the Brink, In the Lab và State of Emergency; các phiên bản riêng biệt đưa chúng ta đến nhiều thời kỳ khác nhau trong lịch sử như Fall of Rome, Iberia, Rising Tides hay gần đây nhất là Pandemic: Legacy, cùng nhiều version thú vị khác.
 
 
1.Độ dài: Với thời lượng ngắn chỉ từ 45-60 phút/ game, hoặc có thể ngắn hơn nữa (nếu bạn thua nhanh).

Đây có thể coi là một game rất hợp lý đối với những ai mới bắt đầu làm quen với thể loại này. 

 
2.Độ khó: 2/5.
So với các game phối hợp đồng đội mang tính chiến thuật thì Pandemic có thể coi là một game có cơ chế vô cùng đơn giản, nhưng rất lôi cuốn và hồi hộp đến phút cuối cùng. Nhưng hãy đảm bảo rằng mọi người đã nắm rõ hết luật rồi mới bắt đầu chơi nhé, bạn không muốn là người cầm tay chỉ việc cho tất cả những người khác đâu - thế thì khác gì game dành cho 1 người!
 
3.Chất lượng thành phần: Vì game có nội dung khá đơn giản nên thành phần của game cũng khá...đơn sơ. Nó đạt mức tiêu chuẩn, nhưng cũng không quá xuất sắc. Artwork của game đã cải thiện hơn so với phiên bản đầu tiên, các cục cube bằng nhựa cũng giúp tăng độ “fancy” của game lên, nhưng cá nhân mình thì vẫn thích cube gỗ hơn, cầm vừa tay, mà không bị trơn.
 
 

 
 
4. Bối cảnh: Một bối cảnh giả tưởng nhưng đủ thực tế. Nó không quá bay bổng, viễn tưởng, nhưng bù lại cho người chơi những cảm giác rất chân thực. Đầu tiên, những nhân vật làm các nghề nghiệp hết sức bình thường, và game cũng không cố khắc họa họ như những người anh hùng hầm hố, sẵn sàng xả thân vì nghĩa. Tiếp đến, kẻ thù chính mà các bạn phải đối mặt là những con virus - một trong những mối nguy cơ không thể nào thật hơn, và rõ ràng là dễ xảy ra hơn so với những điều chúng ta xem trên phim ảnh. 
 
 
Tuy nhiên, điều đó không hề khiến cho game bị nhàm chán, mà ngược lại, không khí trong game cực kỳ khẩn trương và căng thẳng. Quá trình bạn và team của mình bay đến các thành phố, thu thập thông tin, mở trạm nghiên cứu, kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh,... đều nói lên mức độ cấp bách của đại dịch, và có đôi khi bạn cảm thấy những nỗ lực này thật vô ích trước sự bùng phát nhanh chóng của dịch bệnh. Thời gian ngày một cạn kiệt khi bệnh dịch bùng phát nhanh khôn lường, cùng với sự khó khăn trong việc di chuyển sẽ khiến cho hành trình của các bạn trở nên vất vả hơn bao giờ hết, nhưng một khi đã vượt qua được thử thách khó khăn này, sự thỏa mãn trong bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
 
5.Thích hợp với: Các sinh viên y dược, những nhóm bạn có khả năng teamwork tốt và những người chơi thích hoạt động độc lập (1 mình điều khiển cả 4 nhân vật).
 
Game không dành cho những hội nhóm có tính cạnh tranh cao, cũng như những người không thích chơi game chiến thuật.
 
 
 

 
 
6.Mức độ may rủi: Trung bình.
Game phụ thuộc nhiều vào việc bốc bài, và nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh nằm ở trong những lá Epidemic mà người chơi có thể sẽ bốc được trong chồng bài. Tuy nhiên, bạn có thể tính toán được khả năng bốc bài, cũng như những thành phố nào có nguy cơ bùng phát, và nếu tính toán thời điểm chính xác, bạn hoàn toàn có thể khoanh vùng được phạm vi kiểm soát nếu có lỡ bốc phải lá bài đó. Vậy nên, có thể coi mức độ may mắn của game khá cân bằng với mức độ chiến thuật.
 
7.Mức độ chơi lại: Trung bình. Việc thua nhiều và game có cách để tăng mức độ khó giúp tính chơi lại của trò chơi được nâng cao hơn (cùng mức độ cay cú).
 
Nhưng nếu đã thắng game rồi thì có lẽ là bạn sẽ hơi ngại chơi lại đó. Có thể là nghỉ ngơi 1 thời gian, sau đó chơi lại, nhưng khoảng thời gian đó sẽ giãn cách dần ra… Bạn có thể chơi lại game với việc tăng độ khó (thêm các lá bài Epidemic vào bộ), sử dụng các nhân vật khác nhau trong mỗi lần chơi, hay tốt hơn cả là mua thêm bộ mở rộng để có được những module chơi mới thú vị hơn!
 
 
8.Điểm đặc biệt: Mình đánh giá cơ chế thú vị nhất trong Pandemic chính là cơ chế “tìm ra phương thuốc chữa bệnh”.
 
Để làm được điều này, một người chơi phải có đủ 5 lá bài cùng màu ở trên tay. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng các bạn phải lo kìm hãm sự phát triển của virus ở rất nhiều nơi trên thế giới, nên cách để gặp được nhau là không hề dễ dàng. Hơn nữa, giữ những lá bài đó trên tay đồng nghĩa với việc bạn không được sử dụng chúng, sẽ rất bất tiện, thậm chí đôi khi bạn sẽ phải di chuyển một cách rất giới hạn để bảo toàn số lượng thẻ. 
 
 
External image
 
 
Các thẻ bài này là tên các thành phố, nhưng ở đây chúng ta có thể hiểu đó là thông tin mà những người chơi khác đã thu thập được ở cùng một khu vực (Vì mỗi khu vực sẽ có một loại virus đặc thù riêng). Khi đã đủ thông tin, tất cả người chơi sẽ tổng hợp chúng về một nguồn duy nhất để 1 người điều chế thuốc giải. Tuy nhiên điều chế được thuốc giải không có nghĩa là người chơi không phải lo về loại virus đó nữa. Nếu đã có thuốc giải, căn bệnh sẽ ngừng lây lan, nhưng nếu không loại bỏ hoàn toàn, nó vẫn sẽ tồn tại ở các khu vực, và giúp cho các loại virus khác đủ điều kiện bùng phát (Outbreak).
 
Càng về cuối game, mức độ bùng phát sẽ càng nhiều, khiến cho Thang đo mức độ Lây lan sẽ chạy liên tục. Vì vậy, người chơi phải biết cách phân chia nhiệm vụ thật hợp lý, ngoài việc tổng hợp tổng hợp thông tin để điều chế thuốc giải cho các virus còn lại thì còn phải xử lý các mầm bệnh còn sót lại của các virus đã chữa được, để chắc chắn rằng chúng không “tiếp tay cho đồng bọn” lây lan!
 
 
9 Cảm nghĩ cá nhân: Đây là một trong những trò chơi phối hợp đồng đội đầu tiên mà mình được tiếp cận, trước đó mình luôn nghĩ board game là phải đối đầu với nhau, và chỉ có 1 người chiến thắng cuối cùng.
 
Không chỉ đem đến cái nhìn mới mẻ về thế giới board game, trò chơi còn giúp cho mình có được trải nghiệm “cứu thế giới” thật nhiều chông gai nhưng cũng thật nhiều cảm xúc. Với vai trò như một anh hùng đời thường, bạn chẳng được trang bị bất kỳ thứ gì, cũng không thể nâng cấp các kỹ năng, trong khi tình trạng bệnh dịch thì ngày một diễn biến khó lường. 
 
Chỉ có 1 cách duy nhất để chiến thắng, đó là phải phối hợp cực kỳ ăn ý với những người đồng đội của mình, để có thể vừa điều chế được thuốc giải, vừa ngăn chặn dịch bệnh bùng phát thêm, và game cũng sẽ không ngại ngần “trừng phạt” bạn với chỉ một sai lầm nhỏ. Những phút giây đau não, cãi lộn để đưa ra được những bước đi hợp lý, hay sự hồi hộp đến thót tim khi bốc từng lá bài và cầu nguyện không vào Epidemic… quả là những kỷ niệm khó quên của mình đối với trò chơi này. Mấy khi được cứu thế giới đâu, phải làm cho ra trò chứ :))
 
II, Điểm cộng và điểm trừ
Điểm cộng: 
  • Game đơn giản nhưng đầy tính chiến thuật
  • Tính đồng đội cao, giúp rèn luyện khả năng teamwork
  • Kịch tính, hồi hộp không khác gì phim
 
Điểm trừ: 
  • Game khó, nhiều người có thể nản sau vài lần chơi
  • Số lượng người chơi hơi ít
  • Game đồng đội, vì thế có khả năng 1 người gánh tất
 
>> Đặt mua board game tại đây: https://boardgame.vn/all-games/pandemic-us-628
 
Đức Phớ