[REVIEW] TZOLK'IN: THE MAYAN CALENDAR - LỊCH "TẬN THẾ" CỦA NGƯỜI MAYA

Đăng ngày 25/02/2020

 
 
Nếu các bạn đã xem Indiana Jones và Vương quốc Sọ Pha lê (Indiana Jones and the Kingdom of Crystal Skulls), chắc các bạn sẽ thấy vật mà người đàn ông kia đang cầm rất quen thuộc phải không? Đó là một cổ vật được coi là có sức mạnh tâm linh của vũ trụ, thường xuất hiện trong nghi lễ tại các đền thờ của người Maya - một nền văn minh đã phát triển rực rỡ trong quá khứ, với nhiều tiến bộ về toán học, kiến trúc và cả thiên văn học.
 
Một trong những phát minh nổi tiếng của người Maya chính là một công cụ tính thời gian rất khác so những đơn vị mà chúng ta đang sử dụng, được gọi với cái tên Mayan Calendar (Lịch của người Maya). Bạn muốn biết nó hoạt động như thế nào không, hãy tìm hiểu qua trò chơi nổi tiếng đến từ hãng Czech Game - Tzolkin: The Mayan Calendar nhé!
 
Từ khi ra mắt, game đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng board gamer trên toàn thế giới, vì cơ chế đặt công nhân cực kỳ thú vị của nó. Game đã có một bộ mở rộng chính thức mang tên Tribes and Prophecy ra mắt vào năm 2015, tăng số người chơi lên 5 và bổ sung nhiều tính năng đặc thù cho người chơi lựa chọn khi bắt đầu. Hiện tại, T’Zolkin: The Mayan Calendar đang có số điểm 7.9 trên BGG
 
 

 
 
I, Đánh giá chung
 
1.Độ dài: 90 phút là một thời gian vừa đủ, không quá ngắn, làm mất đi trải nghiệm của người chơi, cũng như là không quá dài khiến người chơi ngán ngẩm. Mỗi lượt người chơi cũng chỉ có 2 việc là đặt hoặc thu công nhân về, vì thế diễn biến của một lượt cũng sẽ được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với các game khác cùng thể loại.
 
2.Độ khó: 3/5.
Tuy chỉ có 2 hành động để làm, nhưng làm gì vào lúc nào, rút ở đâu và đặt ở đâu là cả một “bầu trời” chiến thuật. Độ khó của game nằm chủ yếu ở việc người chơi phải để ý nhiều thứ cùng lúc: các công trình đang có trên bàn, khi nào đến ngày trả lương, mình đang có vị trí thứ mấy trên đường công nghệ,... Nên có thể sẽ hơi phức tạp nếu các bạn chưa từng chơi các trò chơi có nhiều thang, đường chỉ số. Được cái là game có thể minh họa mọi thứ bằng hình ảnh nên chỉ cần hiểu được các hình vẽ là người chơi có thể ghi nhớ được các đặc điểm chính của trò chơi.
 
3.Chất lượng thành phần: Phần hấp dẫn nhất có lẽ ai cũng đồng tình với mình, đó là những chiếc bánh răng, phải không nào?
Mỗi lượt đi kết thúc, bạn lại được đẩy bánh răng 1 lần và nhìn chúng chuyển động đồng thời - thật thú vị phải không nào? Việc mang đến các trải nghiệm thực tế cho game là một yếu tố rất quan trọng, vì vậy các nhà sản xuất của T’Zolkin đã rất thành công trong việc sáng tạo ra cơ chế tính lượt thú vị này. 
 
Các token khác của game được làm ở mức độ tiêu chuẩn, artwork truyền tải đúng tinh thần của game, không có gì quá nổi bật. Tuy nhiên thì những chiếc Đầu lâu Pha lê bằng nhựa cũng được làm khá tỉ mỉ, một điểm nhấn được đánh giá cao của trò chơi này.
 
 

 

 
 
 
4.Bối cảnh: Phải nói bối cảnh của game cũng là một điểm cộng thú vị, khi nó đưa người chơi đến với một nền văn minh mà chưa có nhiều người biết đến.
Thay vì Hy Lạp cổ đại, La Mã hỗn loạn hay Ai Cập bí ẩn, chúng ta được một vé du lịch đến với vùng Trung Mỹ. Tại đây, các bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động của nền văn minh Maya trong chu kỳ thịnh vượng nhất -  chiêm ngưỡng những ngôi đền và những tiến bộ khoa học vượt bậc, cùng tạo ra những chiếc Đầu lâu Pha lê quyền năng, thực hiện các nghi lễ Tế thần để mang đến phồn hoa cho bộ lạc,...
 
Bạn sẽ bắt gặp những công trình kiến trúc, những biểu tượng và cổ vật không hề giống với những gì hay thấy ở nền văn minh Hy Lạp hay La Mã, điều này sẽ tạo ra yếu tố mới lạ, kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của người chơi. 
 
 

 

5.Thích hợp với: Những người yêu thích nghiên cứu lịch sử các nền văn minh, những người thích chơi game Đặt công nhân và các fan của Indiana Jones (như mình). Thực ra thì cảm giác xoay bánh răng cũng giống như việc làm nhạc của các DJ vậy, đủ hấp dẫn chưa các dân chơi!!

 
6.Mức độ may rủi: Cực kỳ thấp.
Game chú trọng yếu tố chiến thuật, và chỉ có một ít may mắn xuất hiện khi bạn lật mở các lá bài. Vì thế bạn có thể yên tâm rằng những tính toán của bạn khó có thể đi chệch hướng chỉ vì một lần gieo xí ngầu đen đủi hay bốc bài không đúng ý đồ. Điều này hơi làm giảm mức độ “vui” của game, nhưng bù lại nó mang lại tính cân bằng và sự căng thẳng, giúp người chơi có trải nghiệm chiến thuật trọn vẹn hơn.
 
7.Mức độ chơi lại: Cao.
Tính cạnh tranh và cơ chế “đẩy đĩa” sẽ là yếu tố khiến bạn muốn quay lại trò chơi này. Game có một chiều sâu chiến thuật nhất định, vì vậy nó sẽ kích thích bạn bỏ nhiều thời gian hơn để nghiên cứu - không hề dễ để trở thành master đâu!
 
8.Điểm đặc biệt: Thuộc thể loại Đặt công nhân, nhưng game lại mang đến nhiều cải tiến thú vị và khác biệt - điển hình là việc ở các trò chơi thuộc thể loại tương tự khác, mọi người phải cạnh tranh vì phần lớn các vị trí chỉ dành cho 1 người đặt; trong khi đó ở T’Zolkin, khu vực nào cũng có đến 7 slot để đặt công nhân.
 
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn có thể thoải mái lựa chọn, mà bạn sẽ luôn phải đặt người của mình ở vị trí thấp có sẵn ở một Khu vực. Điều này khiến cho việc đi đầu không còn thuận lợi như các trò chơi khác, vì nếu như bạn đang ở trong 1 cuộc cạnh tranh, việc bạn đi trước sẽ khiến cho người khác có được vị trí tốt hơn.
 
 

 

 
Sau mỗi lượt, bánh răng sẽ dịch chuyển 1 lần, đẩy bạn tiến lên 1 bước trong khu vực mà các công nhân của bạn đang đứng. Chỉ khi nào bạn quyết định thu người của mình về thì bạn mới thực hiện hành động ở ô tương ứng, khác với cách chơi thu người về sau mỗi lượt thông thường. Điều này khiến bạn phải tính toán thời điểm hợp lý để thu hồi công nhân, vì số lượng người của bạn là có hạn, tương ứng với số lượng hành động bạn có thể làm, vì thế yếu tố timing có thể là mấu chốt của trò chơi này - vừa giúp bạn thực hiện được hành động như mong muốn, vừa khiến cho đối phương mất vị trí tốt hơn để đặt công nhân.
 
Chính các yếu tố kể trên đã dẫn đến việc thay đổi trong cơ chế chọn người đi đầu. Vẫn có 1 slot duy nhất cho ai muốn trở thành người đi đầu trong lượt kế tiếp, nhưng như đã nói ở trên thì không phải lúc nào người chơi cũng mặn mà với việc đi đầu. Vì thế, khi chọn làm người đi đầu, bạn sẽ nhận được toàn bộ Lương thực tồn đọng từ các ngày trên Bánh răng lớn, cùng với đó bạn có thể quyết định cho toàn bộ bánh răng đẩy nhanh lên 2 bước (điều khiển thời gian - bạn đã thấy năng lực kinh khủng của người Maya chưa!!). Những yếu tố này khiến cho việc trở thành người đi đầu trở nên hấp dẫn hơn đối với mọi người, với khả năng dịch chuyển tức thời sẽ giúp cho bạn tiến rất nhanh trên toàn bộ các khu vực, thu được nhiều lợi ích hơn.
 

 

 
 
 
9.Cảm nghĩ cá nhân: Với một người đã chơi nhiều game Đặt công nhân như mình, T’Zolkin vẫn mang đến một cảm giác rất mới lạ và hấp dẫn, bởi những cơ chế độc nhất của nó.
Và nó đã thành công trong việc để lại điểm nhấn cho mình giữa vô vàn các board game trên thế giới bởi hình ảnh những chiếc bánh răng “thời gian” - một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và công nghệ, thậm chí còn có chút ma thuật huyền bí nữa. Cái cảm giác thích thú chờ đợi để sau mỗi lượt lại đẩy bánh răng 1 lần, làm cho chúng dịch chuyển các công nhân trên đó tạo ra một hiệu ứng hình ảnh rất thú vị, phải không nào!
 
II, Điểm cộng và điểm trừ:
Điểm cộng: 
  • Cơ chế Đặt công nhân độc đáo
  • Bối cảnh mới lạ
  • Hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, để lại dấu ấn (Bánh răng, đầu lâu)
Điểm trừ:
  • Các token tài nguyên hơi đơn giản (chỉ là các cục gỗ vuông khác màu)
  • Hơi nhiều bước tính toán, vì thế làm giảm độ tương tác

Đức Phớ