[REVIEW] THE MANHATTAN PROJECT

Đăng ngày 26/02/2020

 
 
Cuộc chạy đua vũ trang giữa Thế chiến II đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết! Không chỉ đấu tranh trên mặt trận quân sự, các cường quốc còn đang đẩy mạnh phát triển công nghệ khoa học để đưa cuộc chiến tranh đến hồi kết. Những kỹ sư, các nhà khoa học hàng đầu được chiêu mộ, đào tạo để thực hiện các nhiệm vụ bí mật của chính phủ - đó là tạo ra những loại vũ khí hạt nhân mới, có sức hủy diệt hàng loạt. Song hành với đó là các hoạt động tình báo để nắm bắt các thông tin tuyệt mật bên kia chiến tuyến, tạo ra ưu thế trong cuộc chạy đua vũ trang cực kỳ căng thẳng này. Kết thúc đã rất gần kề, và dù ai là kẻ thắng người thua, thì chắc chắn cán cân quyền lực của Thế giới cũng sẽ thay đổi mãi mãi.
 
Được phát hành bởi hãng Minion Games vào năm 2012, The Manhattan Project là một trò chơi cạnh tranh điểm số cực kỳ căng thẳng và kịch tính, với cơ chế Đặt công nhân quen thuộc nhưng được lồng ghép vào một bối cảnh Thế chiến II đem đến một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ về ngành “công nghiệp vũ khí” của các cường quốc trên thế giới. Game đang có số điểm 7.4 trên BGG
 
I.Đánh giá chung
 
1.Độ dài: Chơi càng đông thì game sẽ càng kéo dài, tuy nhiên một ván trung bình sẽ rơi vào khoảng 90 phút.
Thời lượng này là hơi dài so với một trò chơi thuộc dạng đặt công nhân, nhưng với tính tương tác cao của nó thì có lẽ bạn sẽ không bị quá “rảnh tay” trong lúc đợi lượt của người khác đâu.
 
2.Độ khó: 3/5.
Theo mình đánh giá, game đạt mức độ khó trung bình đối với thể loại Đặt công nhân. Nó không quá phức tạp, nhưng có một số chi tiết nhỏ cần lưu ý (như việc thử nghiệm bom sẽ mang lại lợi ích gì cho người lấy trước và lấy sau, công dụng của các lá bài,...), vì thế có thể bạn phải chơi qua 1 lần để nắm hết mọi thứ trước khi có thể tính toán chiến thuật hợp lý.
 
 
3.Chất lượng thành phần: Trung bình. Mình không đánh giá cao artwork của game, hơi bị sơ sài và không bắt mắt. Các thành phần của game cũng không có gì quá ấn tượng - có lẽ tác giả muốn truyền tải phong cách mỹ thuật tiêu biểu của thời kỳ bấy giờ (như một sự hoài niệm, hoặc tôn vinh chăng?). Ưu điểm là chúng rất đơn giản và dễ hiểu, ít hình minh họa nên có thể thuộc nhanh được. Các component gỗ ở mức độ tiêu chuẩn, Bản đồ và các thẻ đủ dày để có thể sử dụng được lâu, tuy nhiên các lá bài hơi mỏng.
 
 

 

 
 
4.Bối cảnh: Đến với The Manhattan Project, bạn sẽ được trở về giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, tham gia vào ngành công nghiệp vũ khí đồ sộ và đầy tai tiếng của các cường quốc. Không chỉ được trải nghiệm quá trình tạo ra những quả bom hạt nhân, game còn đem đến cho bạn một cái nhìn có chiều sâu về bối cảnh chính trị thế giới thời bấy giờ: những nhà khoa học, kỹ sư được đào tạo và săn đón bởi chính phủ, những nhà máy chế tạo những loại vũ khí tối tân nhất để hạ sát quân địch trên chiến trường mọc lên ngùn ngụt, những vụ thả bom, biệt kích trên không nhằm phá hoại thành tựu của đối phương và những điệp vụ tình báo được cài cắm khắp nơi để thu thập thông tin về cho chính phủ,...
 
Một thời thế thật rối ren, với đầy rẫy những âm mưu, hoạt động ngầm của chính phủ những cuộc không kích bất ngờ và đầy rủi ro, phải không nào! Hãy chơi Manhattan Project để thấy bạn may mắn như thế nào khi được sống ở thời bình, và tạ ơn trời những thứ vũ khí đó không được đưa vào sử dụng thêm bất cứ lần nào nữa!!
 
 

 
 
5.Thích hợp với: Những người thích nghiên cứu về lịch sử Chiến tranh thế giới, những nhà vật lý lượng tử tương lai và những người đam mê cháy nổ. Với tính cạnh tranh và tương tác cao, game sẽ rất thu hút đối với các nhóm bạn thích đấu đá, chặn đầu nhau vì có các cơ chế để cản trở người chơi khác rất thú vị.
 
6.Mức độ may rủi: Gần như là không có.
Game hoàn toàn mang tính chiến thuật và hạn chế tối đa tính ngẫu nhiên thường thấy trong các trò chơi khác như: gieo xí ngầu, bốc bài, thứ tự lượt đi,... Vì thế, nếu thua bạn chỉ có thể trách chính mình thôi, còn chẳng có gì được coi là “đen đủi” được đâu.
 
7.Mức độ chơi lại: Trung bình.
Nội dung game khá hấp dẫn, tuy nhiên thời gian chơi và cách thức kết thúc game lại hơi đơn điệu, vì thế có thể sẽ khó thu hút bạn bỏ ra chơi lại trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể cải thiện nếu bạn có thêm các bộ mở rộng, phát triển thêm một số tính năng khác cũng như cơ chế để chặn nhau - tin mình đi, sẽ hấp dẫn hơn nhiều đó!
 
8.Điểm đặc biệt: Khác với những game Đặt công nhân khác, nơi mà yếu tố cạnh tranh chính đến từ việc tranh giành các vị trí đặt các công nhân, The Manhattan Project còn mang đến những hình thức cản trở khác: không kích đối phương. Bằng cách này, bạn có thể làm hỏng hóc - ngăn chặn việc sử dụng các lá bài mà người chơi khác đã đánh xuống - cho đến khi họ sửa chữa. Nhưng trước khi có thể ném bom được công trình của đối phương, bạn phải triệt hạ được hệ thống phòng thủ của địch bằng việc tiêu diệt toàn bộ không quân. Nhưng khi bạn dồn toàn lực để tấn công đối thủ này, thì có khi đối thủ khác lại đánh úp bạn - thật khó lường đúng không nào!  Cơ chế cạnh tranh này khiến cho những người chơi phải tính toán cẩn thận trong việc thể phát triển cân bằng, không thể chỉ chăm chăm vào việc chế tạo bom để farm điểm nữa. Đây cũng chính là yếu tố khiến cho tính tương tác và tính chiến thuật của trò chơi tăng cao.
 
 

 

 
 
Cơ chế thứ hai mà bạn cần lưu ý trong trò chơi này, tuy không ảnh hưởng đến bạn, nhưng nó có thể đem lại lợi ích cho người chơi khác và giúp họ vượt mặt bạn mà không tốn công sức. Đó chính là cơ chế cài gián điệp - bạn có thể trả tiền để cài gián điệp của mình vào công trình của người khác (thu thập thông tin về công nghệ của nước khác đó), sau đó sử dụng công trình đó như là của mình!
 
Điều này dẫn tới tình trạng có người trong một vài lượt đầu thậm chí không cần bỏ vốn ra để đầu tư cơ sở vật chất mà vẫn sử dụng được các công nghệ tân thời của những người chơi khác. Vì vậy, nó khiến cho người chơi phải dè chừng hơn trong việc quyết định xây dựng các công trình, để người khác không được hưởng lợi quá nhiều từ những thứ bạn đã mất công xây nên. Đây là một cơ chế khá là thú vị và mới lạ, tuy nhiên thì nhìn vào việc chỉ trả $3 để cài 1 gián điệp vào hàng ngũ của nước khác sao nó đơn giản thế nhỉ, chả thực tế chút nào -_-
 
 
9.Cảm nghĩ cá nhân: Nếu bạn là fan của dòng game Đặt công nhân và đã có những trải nghiệm với Stone Age, Agricola, Village - những game về cuộc sống đời thường -  chán chê rồi thì có thể đổi gió với The Manhattan Project. Một bối cảnh mới lạ, với khí thế thi đua xây dựng hừng hực mà lại còn có yếu tố chiến tranh chắc chắn sẽ khiến bạn hứng thú đấy! 
Nhìn chung, game khá hấp dẫn với nhiều cơ chế thú vị, mỗi tội artwork của game hơi bị cổ hủ, dù ra mắt năm 2012. Chắc là vì muốn mang lại không khí cổ động phong trào giống như các sản phẩm truyền thông thời kỳ đó, tuy nhiên thì thật khó chấp nhận việc các nhà sản xuất lười đến mức minh họa những công nhân, kỹ sư hay nhà khoa học mà mặt trống trơn và khuôn người hình vuông - hơi thô và kém gần gũi!
 

 

 
 
II, Điểm cộng và điểm trừ:
Điểm cộng:
  • Cơ chế mới lạ đem đến làn gió mới cho thể loại đặt công nhân
  • Tính tương tác và cạnh tranh cao
  • Đề cao yếu tố chiến thuật
 
Điểm trừ:
  • Artwork không hợp thời
  • Đôi lúc game bị lê thê ở một số giai đoạn (nhất là khi chơi nhiều người)
 
Đức Phớ