[REVIEW BOARD GAME] BUÔN BÁN Ở CHINATOWN

Đăng ngày 03/09/2019
  1. Độ dài: 45-60 phút, một thời lượng không quá dài so với một tựa game kinh tế. Game kéo dài chủ yếu do những màn thương lượng, mặc cả, câu kéo,... nảy lửa của những người chơi. Việc này có thể kéo dài hơn cả thời lượng trung bình 1 tiếng như đã đề ra bên trên, đặc biệt đối với những người không ngại việc deal đi deal lại sao cho có lợi cho mình nhất.

  1. Độ khó: 1,5/5. Luật game có thể được giới thiệu trong vòng 5 phút, với không quá nhiều hành động trong 1 lượt, nếu không nói là đã được tối giản hết mức. Game chỉ có một chút phức tạp ở khâu tính tiền vào mỗi lượt. Số lượng cửa hàng liền kề của cùng 1 loại sẽ cho bạn một số tiền nhất định, và chỉ cần theo dõi kỹ bảng hướng dẫn và số lượng xuất hiện của 1 cửa hàng là bạn có thể tự vạch ra chiến lược cho mình rồi.

  1. Chất lượng thành phần: Với một game đã có tuổi đời 20 năm như Chinatown, không thể quá đòi hỏi quá nhiều về mặt artwork của game. Nó được làm đơn giản như chính luật chơi của mình, nhưng lại đem lại một cảm giác hoài cổ và rất...Trung Hoa. Một sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, khi mà mỗi năm được biểu thị bằng những con giáp còn lợi nhuận thu được là những tờ đô la giá trị.

Những Token của game không có gì cầu kỳ, được làm một cách rất tối giản và dễ hình dung, đặc biệt với những token gỗ tròn đặt vào những ô đất không khác gì những bàn cờ vây đầy màu sắc.

 

 

  1. Bối cảnh: Game đã khắc họa được một cách chân thực hình ảnh của những khu phố Tàu thời kỳ thập niên 80,90 của thế kỷ trước, vẫn mang đậm những đặc trưng của Trung Hoa, nhưng giao hòa với những công nghệ hiện đại đến từ phương tây. Điều này được thể hiện rất rõ qua bức tranh trên bìa hộp, cũng như những hình ảnh được khắc họa trên các mảnh Cửa hàng.

Các bạn có 5 năm, với 1 khu đất trống để xây dựng nên một khu phố người Hoa nhộn nhịp, sầm uất, cung cấp đầy đủ những dịch vụ, từ những thứ chỉ có thể tìm thấy được ở Trung Hoa như quán trà, quán Dimsum,... cho đến những tiến bộ công nghệ hiện đại nhất thời bấy giờ như Tiệm giặt là, Tiệm chụp ảnh,... Tất cả như tái hiện lại trước mắt bạn quá trình mà những người nhập cư gốc Hoa bắt đầu gây dựng cơ đồ của họ tại một vùng đất hoàn toàn mới.

 

 

  1. Thích hợp với: Những người thích chơi game kinh tế, thích tiền bạc và đặc biệt có khả năng ngoại giao tốt. Đây là kỹ năng chính của trò chơi, vì bạn cần phải “hoạt động mồm” liên tục thì mới có thể “chốt sale” hời. Đó cũng chính là lý do mà nếu bạn đang tìm một tựa game để yên tĩnh nghiền ngẫm thì Chinatown có lẽ không phù hợp với nhóm của bạn đâu

  1. Mức độ cân bằng: Game phụ thuộc vào may mắn khá nhiều. Mỗi lượt đi bạn được bốc số cửa hàng nhất định, và việc bốc này là hoàn toàn ngẫu nhiên, vì thế có khả năng rất cao bạn chẳng bốc được cửa hàng nào mà mình đang xây dựng. Tuy nhiên, đó chính là lúc để bạn thể hiện khả năng thương thuyết đại tài của mình. Có thể nói, yếu tố chính đem lại sự cân bằng cho game chính là việc cho người chơi tự do trao đổi, không giới hạn bất kỳ số tiền nào mà người chơi sẵn sàng bỏ ra để dành được một cửa hàng.

  1. Mức độ chơi lại: Trung bình. Những game đầu của bạn sẽ khá cuốn hút, tuy nhiên để gắn bó lâu dài với nó thì chắc bạn sẽ cần thêm một chút “gia vị”, như thêm một số house-rule, hoặc tìm cách viện vào những câu chuyện để mặc cả với nhau (Cho tao nhà đó đi, rồi tao sẽ tìm cách giúp mày cưa crush), hay thậm chí là đe dọa (đưa đây hoặc việc mày trốn học sẽ đến tai mẹ mày đầy bất ngờ),... Nếu không thì, việc luật chơi khá đơn giản và việc tính toán lãi lỗ hơi đau đầu sẽ khiến bạn không muốn chơi lại nó đâu.

  1. Điểm đặc biệt: Bạn sẽ hiếm khi bắt gặp một game kinh tế nào thuần “mặc cả” như trò chơi này. Một phần lý do cũng vì nó là game lâu đời, vì thế các game ra mắt sau nó sẽ phải biến đổi hoặc thêm bớt một số cơ chế mới để cho không bị coi là “đạo nhái”, thành ra không khó để nó là game “chân chất nhất”. Không quá khi nói tất cả việc thành bại của bạn nằm ở tài ngoại giao và ăn nói của chính bạn. 

Việc duy nhất bạn cần làm trong game là trao đổi các lô đất và cửa hàng của mình cho người khác, sao cho Chuỗi cửa hàng của bạn được mở rộng nhất có thể. Đây cũng là một hình thức Tạo bộ sưu tập (Set Collection) khá cổ điển, kết hợp với một cách thức trao đổi kinh tế khá thú vị, khiến cho game rất được chào đón tại thời điểm ra mắt. Không có bất kỳ ranh giới nào cho việc thương lượng của bạn cả, tất cả phụ thuộc vào chiến thuật của bạn để lấy được những gì bạn cần từ người chơi khác. Vậy, bạn sẵn sàng chi bao nhiêu để có được lô đất hay cửa hàng Dim Sum đó, liệu $100 có phải là một số tiền hời cho mình khi bán lô đất này đi không…. 

 

  1. Cảm nghĩ cá nhân: Hồi mới bước chân vào ngành boardgame, mình rất thích tựa game này, vì nó là game kinh tế đầu tiên mình được trải nghiệm. Cảm giác mua đi bán lại, cắt đất chia lô thật thú vị, cảm giác mình như một nhà buôn bất động sản thực thụ vậy. Tuy nhiên sau khi tiếp xúc với các trò chơi khác thì Chinatown cũng dần đi vào quên lãng. Nhưng điều đó không thể phủ nhận sức hút mà nó mang lại, với một cơ chế đơn giản đến bất ngờ, nhưng cũng đầy thách thức và thể hiện bản lĩnh của người chơi.

Đặc biệt, game rất chú trọng đến yếu tố tương tác giữa những người chơi. Đảm bảo dẫn những đứa ít nói đi chơi game này, nó sẽ bộc lộ bản chất thật của mình.  Đàm phán nào, các thương gia. Quyết định biến game trở thành một cuộc đầu tư cân não giữa các doanh nhân thực thụ thành một vụ mặc cả chợ búa om sòm là của các bạn, quan trọng mình vui là được rồi, phải không nào?

 

II, Điểm cộng và điểm trừ

Điểm cộng:

  • Dễ học dễ chơi
  • Artwork đơn giản nhưng phù hợp với bối cảnh
  • Mức độ tương tác cao

Điểm trừ:

  • Không phù hợp với những người ít nói
  • Sử dụng tính toán nhiều
  • Luật đơn giản, dễ gây nhàm chán sau một vài lần chơi

 

Bạn đã muốn thử sức với board game đình đám này chưa?? Gia nhập ngay Phố Người Hoa làm thương nhân thành đạt >> https://bit.ly/2lsmMVR

 

- Đức Phớ -