Những board game “không đội trời chung" với nhau (Phần 1)

Đăng ngày 06/08/2016

Trong board game, có những trò rất gần nhau về phong cách chơi mà khiến chúng dễ dàng trở thành đối thủ của nhau. Câu hỏi “trò nào hay hơn trò nào?” sẽ là rất khó khăn khi bạn đưa ra lựa chọn với những cặp đôi này. Hãy cùng thử dùng một phép so sánh khập khiễng để bình luận về những đối thủ trời sinh này nhé.

1. Uno vs Mèo Nổ

Uno đã luôn là card game giải trí nhóm nổi bật nhất ở Việt Nam trong suốt nhiều năm liền bởi tính đơn giản, tương tác và chơi nhanh của nó. Tuy nhiên, kể từ khi Mèo Nổ với những đặc tính như Uno xuất hiện, đã tạo ra sự khác biệt. Mèo Nổ  nhanh chóng được đón nhận và đang ngày càng hot hơn bao giờ hết, thậm chí còn có thể đạt đến tầm phổ biến rộng rãi trong tương lai.

Uno hay Mèo Nổ? Đó là một lựa chọn khó khăn khi bạn muốn chọn một trong hai. Vậy tại sao không có cả hai?

2. Ma Sói vs Avalon

Ma Sói đối đầu với một hậu bối dữ dằn theo sau nó – Avalon. Cả hai game đều chia sẻ chung yếu tố ẩn vai trò, suy luận, thương lượng căng thẳng. Nhưng mỗi game có một lợi thế riêng của nó.

Ma Sói có thể chơi được đông người hơn, nhiều chức năng hơn; còn Avalon chơi được từ 5 đến 10 người, không cần quản trò và không có yếu tố loại trừ người chơi. Nếu bạn là fan của Ma Sói, nhiều khả năng bạn cũng thích Avalon, và ngược lại. Cả hai đều xứng đáng là những tựa game ẩn vai trò đẳng cấp nhất thời điểm hiện tại – một cổ điển và một hiện đại.

3. Shadow Hunters vs Blood Bound

Ẩn vai trò, tấn công lẫn nhau, suy luận loại trừ - tất cả điều này đều có trong Shadow Hunters, và cả Blood Bound nữa. Cả hai game đều phù hợp khi bạn muốn có một chút máu me trên bàn chơi, một chút hung tợn đủ đe dọa người khác. Shadow Hunters thì thiên về hành động, còn Blood Bound thiên về ẩn vai trò, suy luận.

Cặp đôi này là hoàn hảo để “nhuộm đỏ” trong những ngày mà bạn cảm thấy thiếu tương tác mạnh khi chơi các board game khác.

4. Puerto Rico vs San Juan

Thực ra San Juan chính là hậu bối, được thiết kế dựa trên board game kinh điển Puerto Rico, nhưng ở dạng card game và chơi nhanh hơn. Một số thích tính đơn giản của San Juan, nhưng một số lại thích chiều sâu chiến thuật và hệ thống kinh tế hoàn hảo của Puerto Rico. Và ý kiến đó sẽ tùy thuộc và việc bạn chơi phiên bản nào trước.

San Juan có thể dễ dạy hơn so với Puerto Rico. Nhưng nếu bạn chịu khó đầu tư việc học luật, Puerto Rico có thể theo bạn suốt nhiều năm.

5. Patchwork vs 7 Wonders Duel

Trong năm vừa qua nổi bật lên 2 tựa game chơi đối kháng hai người xuất chúng đó là Patchwork và 7 Wonders Duel. Một 9 một 10, cả hai game này đều là những game song đấu gần như hoàn hảo.

Patchwork sẽ dễ dàng lôi cuốn người mới, song 7 Wonders Duel sẽ được đánh giá cao bởi các game thủ lâu năm, đặc biệt là fan của dòng game 7 Wonders. Cặp đôi này được xem như là hack não người chơi bởi hệ thống xoay xở kinh tế, tài nguyên của chúng.

6. Kakerlaken Poker vs Cheating Moth

Một ăn gian, một nói dối – Kakerlaken Poker và Cheating Moth là các game có thể xem là “bẩn” nhất. Cả hai game này có hình ảnh giống nhau vì cùng được sản xuất tại công ty, chúng đều chia sẻ kinh nghiệm mà công ty này muốn hướng đến.

Trong Kakerlaken bạn đánh lừa người khác bằng tâm lý, còn Cheating Moth bạn qua mặt người khác bằng độ linh hoạt, khéo léo của đôi tay (để giấu bài). Theo cách nào cũng vậy, cặp đôi gian xảo này luôn là gợi ý cho các bạn thích bẩn bựa. 

Đón xem tiếp phần 2 để khám phá thêm những cặp đôi "không đội trời chung" khác nhé.

BoardgameVN