Tiến trình sáng tác Board game – Biến ý tưởng thành hiện thực

Đăng ngày 08/03/2016

Bạn có ý tưởng về một board game nhưng không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để tạo nên một board game hoàn chỉnh ư? Bài viết sau đây chắc chắn sẽ giúp nhiều cho bạn khi mô tả các giai đoạn chung của tiến trình sáng tác board game.

Sáng tác board game không đi theo một tiến trình có thứ tự cứng nhắc nào, vì đó sẽ khác biệt ở tố chất mỗi người, nhưng sau đây là các bước chung nhất để một board game được ra đời:

1) Ý tưởng

Ý tưởng là quan trọng, nó bắt đầu cho mọi thứ và là bước đầu tiên khi bạn sáng tác board game. Tuy nhiên một ý tưởng đơn thuần không thể làm thành game được. Từ ý tưởng đến game là một con đường khá xa. Bạn có thể có hàng trăm ý tưởng nhưng chỉ số ít trong đó thành game ở hiện thực.

Bạn có thể chọn 1 trong 2 cách sau để tiếp cận trong giai đoạn này:

a) Từ chủ đề (theme) đến cách chơi (mechanic): Bạn có thể nghĩ về một câu chuyện, tưởng tượng ra một bối cảnh nào đó thú vị. Ví dụ một khu rừng hoang dã nơi có những quái vật hung bạo, người chơi là các dũng sĩ lên đường vào khu rừng đó tìm kho báu trong truyền thuyết,...

Sau khi có chủ đề nhất định, bạn suy nghĩ về cách chơi để mô tả chủ đề đó. Tiến trình game như thế nào, bàn cờ, quân cờ như thế nào, cách tấn công, phòng thủ theo lượt,...

b) Từ mechanic đến theme: Bạn nghĩ về một mechanic làm bạn thú vị. Có thể là Đấu giá (Auction), hay đặt công nhân (worker placement), hay gieo xí ngầu di chuyển (Roll and Move),... Cách thức game diễn ra, lượt của từng người phải làm gì, làm sao tạo ra kịch tính, tương tác người chơi thế nào,...

Sau đó bạn sẽ nghĩ đến một theme phù hợp với lối chơi và tiến trình ấy.

2) Làm bản thô (prototype)

Bản thô tức là những vật liệu nguyên sơ, giúp bạn chơi được một game. Đó có thể là những mảnh giấy, bìa cứng, quân cờ, các token,... Bản thô không cần đẹp nhưng phải dễ nhìn, dễ hiểu và giúp cho game chơi được. Bạn không cần phải quà chăm chút phần mỹ thuật ở giai đoạn này, bởi game của bạn sẽ có nhiều sự thay đổi về sau trong giai đoạn cân bằng. Việc quá chú tâm vào mỹ thuật sẽ tốn rất nhiều thời gian. Khi game bạn đã hoàn thiện và đưa đến nhà sản xuất, họ sẽ lo liệu phần đó một cách tốt nhất với họa sĩ của họ.

Bạn có thể vẽ tay hoặc photoshop đơn sơ về các hình ảnh của game. Cần đảm bảo đủ thành phần trước khi bắt đầu giai đoạn tiếp theo.

3) Playtest solo

Khi đã có bản thô, bạn bắt đầu chơi thử (playtest) một mình. Bạn đóng vai trò nhiều người chơi và thực hiện lượt cho từng người. Mục đích là để đảm bảo tiến trình game chạy trơn tru. Nếu có bất kỳ lỗi nào, bạn tạm thời dừng và ghi chú lại.

Ở giai đoạn này bạn không cần quan tâm đến game có hay hay không, hoặc nó đã có cân bằng hay chưa. Bạn chỉ cần chắc chắn là game CHƠI ĐƯỢC từ đầu đến cuối.

4) Playtest với người thân, bạn bè

Lần này bạn hãy đem bản thô ra và mời những người bên cạnh chơi cùng. Hãy nói với họ là đây là một game chưa hoàn thiện và cần họ chơi cùng để tìm ra lỗi của nó. Đôi khi những người chơi test (playtester) sẽ có cái nhìn khác hơn so với bạn, họ có thể thấy những lỗi mà bạn chưa bao giờ quan sát trước đó.

Ở cuối buổi playtest, bạn hãy chuẩn bị giấy bút để ghi lại những ý kiến đóng góp (feedback) từ playtester. Nếu họ chưa quen với tiến trình này, bạn hãy gợi ý cho họ những câu hỏi như: Bạn thích hay không thích điều gì trong game? Game có quá dài hay quá ngắn không? Bạn có muốn thay đổi điều gì không? Cảm xúc của bạn khi chơi thế nào?...

 

Bạn nên ghi lại rõ ràng những ý kiến đó để hoàn thiện hơn trong lần chơi tiếp theo. Đừng quên mời họ chơi lại lần tới khi game đã sửa đổi.

5) Điều chỉnh

Qua những ý kiến đóng góp từ các playtester, bạn có thể nhìn thấy những gì tốt và không tốt. Ở đây bạn cần phân tích các vấn đề, điều chỉnh khi cần thiết, vận dụng năng lực sáng tạo của bạn để tìm ra giải pháp, thêm/lượt bỏ các thành phần của bản thô nếu cần. Khi đã hoàn thành một bộ luật mới, bạn đã chuẩn bị cho lần playtest sắp tới.

6) Blind Playtest với người xa lạ

Một game được coi thực sự là hay nếu một người lạ chơi và thấy hay. Bởi vì người thân quanh bạn, ít nhiều họ cũng bị ảnh hưởng khi chơi game cùng bạn. Có thể họ chỉ thích game đó đơn giản bởi vì họ thích bạn, nên thích luôn những gì bạn tạo ra. Nhưng với người lạ thì sẽ đánh giá khách quan và trung thực hơn, họ sẽ sẵn sàng chỉ trích những thiếu sót trong game mà họ không hài lòng. Vì vậy người lạ mới là thang đo chính xác cho sự thành công trong game của bạn. Về sau game của bạn sẽ được bán ra cho đa số người lạ, nên hãy đảm bảo rằng người lạ chơi game của bạn cũng thấy hay!

Có nhiều cách để làm điều này. Bạn có thể gửi một bản thô đến một người nào đó bạn không quen biết, đó có thể là bạn bè của người bạn quen. Hoặc một người nào đó không trực tiếp chơi game với bạn. Hãy chắc chắn rằng luật chơi được viết rõ ràng, và người đó có thể dễ dàng học game bằng cách đọc luật chơi mà không có bất kỳ chỉ dẫn nào từ người khác. Nên nhớ rằng, đó là cách mà mọi board game sẽ bán ra, bạn không thể ở khắp nơi để chỉ luật cho mọi người. Đây là cơ hội tốt để kiểm tra độ dễ hiểu của luật chơi được viết ra.

Đừng quên lấy feedback từ những playtesters này, và tiếp tục hoàn chỉnh game nếu cần.

7) Hoàn thiện game và xuất bản

Đây là bước cuối cùng, đó là khi bạn nhận ra game đã hoàn thiện – đương nhiên, sau rất nhiều lần playtest và điều chỉnh. Không có điều gì tuyệt đối, nhưng ít ra bạn cũng nhận ra game đã không còn lỗi gì nữa và được cân bằng tốt. Lúc này bạn sẽ quyết định công ty nào để gửi “đứa con” của mình đến. Thường những công ty khác nhau sẽ có những tiêu chí game khác nhau, nên bạn cần đọc qua về họ trước khi gửi.

Ở Việt Nam hiện tại, có công ty BoardgameVN rất uy tín luôn sẵn sàng đón nhận các ý tưởng game ở mọi thể loại, và có đủ năng lực để xuất bản thành công. Để liên hệ BoardgameVN bạn có thể gửi mail đến [email protected].

Chúc các bạn theo đuổi đam mê đến cùng để tạo ra một board game cho chính mình!